Khi nào hạn điền được bãi bỏ?
Nhiều anh hai anh ba anh tư đã nhờ cả làng mua đất nhưng việc này có rủi ro, vì những người đứng tên hộ đó có thể bán đi bất cứ lúc nào
Được đặt ra tại hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam do Thời báo Kinh tế Việt Nam vừa tổ chức tại Tp.HCM, khi nào hạn điền được bãi bỏ là câu hỏi đề cập một vấn đề rất lớn, đang gây nhiều tranh cãi.
Người nêu câu hỏi này là một doanh nhân, chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu máy nông nghiệp. Câu trả lời được dành cho ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp - nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương).
Chính sách quá chậm
Trong tham luận về phát triển nông nghiệp, phần khó khăn, thách thức ông Tiến nêu: về cơ bản nền nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp.
Việc giao đất cho các hộ nông dân sử dụng ổn định lâu dài đã tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô nhỏ: 80% số hộ sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ hơn 1ha/hộ, bình quân/hộ chỉ có từ 0,4 - 0,6 ha đất, song có từ 2-5 mảnh ruộng khác nhau. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp chậm phát triển, thiếu liên kết, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại.
Phần kiến nghị, đề xuất, ông Tiến cho rằng cần đẩy mạnh quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, xây dựng liên kết sản xuất giữa hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Rà soát, hoàn thiện các chính sách đất đai theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ nông dân gắn bó với nông nghiệp tích tụ, tập trung đất nông nghiệp hình thành trang trại sản xuất quy mô lớn.
Vậy khi nào hạn điền được bãi bỏ? trà lời câu hỏi này, ông Tiến nói, hạn mức giao đất theo quy định hiện hành ở Đồng bằng Sông Cửu Long thì đất lúa không quá 3ha, hạn mức được mua lại gấp 10 lần, còn ở miền Trung và miền Bắc là 2ha.
Ông Tiến cho biết hiện nay ý kiến về tích tụ, tập trung đất đai còn rất khác nhau, nhưng hầu hết đều cho rằng cần nới rộng, xoá bỏ hạn điền.
Ban Kinh tế Trung ương đang cố gắng, nghiên cứu tích hợp để kiến nghị chính sách cụ thể. Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi của vị doanh nhân là khi nào bỏ hạn điền song ông Tiến đề cập có lẽ đến thời điểm thu nhập bình quân đầu người đạt 4.000 USD (hiện tại khoảng 2.200 USD - PV).
Vị doanh nhân tiếp tục cầm micro và nêu thực tế rằng hiện nay nhiều anh hai anh ba anh tư - những người đầu tư lớn - tại đồng bằng Sông Cửu Long đã nhờ cả làng mua đất rồi vì phải có hàng trăm ha mới có thể đầu tư máy móc được. Nhưng việc này có rủi ro, vì những người đứng tên hộ đó có thể bán đi bất cứ lúc nào.
Chính sách chỉ đi sau thôi, vấn đề lớn như thế mà nghiên cứu mấy chục năm vẫn không ra được, vị doanh nhân sốt ruột.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch bình luận, vấn đề quan trọng nhất là tập trung chứ không phải tích tụ ruộng đất. Ông Lịch cho biết từ 5 năm trước ông đã đề nghị có chính sách cho các chủ trang trại thuê đất của nông dân, còn nông dân là người làm thuê trên mảnh đất của mình.
Khó khăn nhưng thú vị
Bên cạnh chính sách hạn điền, các vị diễn giả cũng nêu nhiều gợi ý cho cả Chính phủ và doanh nghiệp, gắn với kịch bản kinh tế của 2017 - chủ đề của hội thảo.
Chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh đây là thời điểm cả thế giới và Việt Nam đều khó khăn nhưng cũng đầy thú vị.
Chúng ta có thể không kiểm soát được cái gì có thể xảy ra trong tương lai nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được những ứng xử với cái xảy ra trong tương lai, ông Thành nhấn mạnh.
Nhận xét năm ngoái và năm nay đầu tư công rất chậm, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng 2017 cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Đồng thời quan tâm nhiều hơn đến đào tạo công nghệ trong các trường đại học, tiếp cận nhanh chóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phải rất thận trọng việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nếu không sẽ gặp trục trặc kinh tế vĩ mô, ông Nghĩa khuyến cáo.
Giảng viên Fulbright, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng trong ngắn hạn thì bản thân các doanh nghiệp phải linh hoạt và thận trọng, theo dõi sát tình hình kinh tế vĩ mô, bám sát động thái chính sách tiến tệ và quản trị doanh nghiệp khôn ngoan.
Còn trong dài hạn, việc quan trọng, theo ông Tuấn là Việt Nam phải thoát được ba cái bẫy về vốn, công nghệ và thu nhập trung bình. Ông Tuấn nhấn mạnh nhân tố cốt lõi là vấn đề về con người và giáo dục.
Chừng nào còn điêp khúc lợi thế của Việt Nam là lao động giá rẻ thì chưa thể bắt nhịp được với thế giới. Giáo dục, giáo dục và giáo dục là cốt lõi nhất phải theo đuổi trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, ông Tuấn đặc biệt nhấn mạnh.
Nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng quan điểm của vị giảng viên Fulbright.