11:57 22/04/2017

“Khiếu nại tố cáo về đất đai cần được quan tâm giám sát”

Nguyên Vũ

Dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2018

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Với vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), vấn đề khiếu nại tố cáo về đất đai cần được quan tâm giám sát trong thời gian tới, theo Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Sáng 22/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2018.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã có 64 cơ quan đề xuất 196 nội dung giám sát, tập trung vào 8 nhóm vấn đề.

4 tiêu chí lựa chọn cũng được Tổng thư ký nêu rõ. Một, là vấn đề bức xúc nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, gắn với việc xây dựng thi hành pháp luật. không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất.

Tiêu chí thứ hai là không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất.

Bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực là tiêu chí thứ ba.

Thứ tư là phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Từ những tiêu chí này, Tổng thư ký đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 6 nội dung cụ thể để trình Quốc hội.

Một, việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, xử lý đối với các dự án, công trình trọng điểm kém hiệu quả, thua lỗ.

Hai, việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.

Ba, việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cứ.

Bốn, việc thực hiện Luật Thủ đô.

Năm, việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Sáu, việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng.

Nhiều ý kiến thảo luận đều nhất trí chọn chuyên đề 1 nhưng chỉ dừng ở cổ phần hoá, chuyên đề 2, chuyên đề 5. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị giám sát thêm chuyên đề phòng chống bạo lực với trẻ em (gồm cả bạo lực tình dục). Áp vào tiêu chí thì đây là vấn đề khiến cử tri bức xúc, bà Nga nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị thêm chuyên đề việc thực hiện chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng ý với chuyên đề bà Nga đề xuất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn một số con số mà theo bà rất đáng lưu ý về xâm hại tình dục trẻ em, với năm 2015 là 1.717 vụ, năm 2016 trên 1.600 vụ và quý 1/2017 hơn 300 vụ.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát việc thực hiện giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân trong thu hồi đất.

Đồng tình với đề xuất này, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh đây là vấn đề đang nóng, với vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội).

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khái quát, đa số ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chọn chuyên đề 1 về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, chuyên đề 2, chuyên đề 5, phòng chống bạo lực trẻ  em và thực hiện chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số.