15:21 06/11/2014

Không tán thành thêm một đại tướng công an

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với đề xuất thêm một hàm đại tướng cho thứ trưởng thường trực Bộ Công an

Trụ sở Bộ Công an tại Hà Nội.<br>
Trụ sở Bộ Công an tại Hà Nội.<br>
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) trước Quốc hội chiều 6/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc thêm một hàm đại tướng cho thứ trưởng thường trực Bộ Công an.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết báo cáo này được xây dựng căn cứ trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị (theo thông báo số 185 ngày 28/10/2014) về vấn đề trần bậc hàm cấp tướng với các chức danh lãnh đạo của Bộ Công an.
 
Theo đó, về chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là đại tướng, có một số ý kiến tán thành quy định của dự thảo luật do Chính phủ trình là cấp bậc hàm cao nhất của Thứ trưởng - Phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là đại tướng.

Song, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chức vụ Thứ trưởng - Phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Công an, giúp Bộ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương) thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ về công tác Đảng.

Chức vụ Thứ trưởng (Phó bí thư) giúp việc Bộ trưởng cần bố trí thấp hơn một bậc để đảm bảo thống nhất trong bộ máy Đảng, Nhà nước, báo cáo nêu rõ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình thêm là chức vụ này khác với chức vụ Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân đã được Hiến pháp quy định là do Chủ tịch nước bổ nhiệm, có trần quân hàm đại tướng.

Theo nguyên tắc cấp hàm cấp tướng của cấp phó phải thấp hơn cấp trưởng một bậc. Đồng thời, thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về việc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ Thứ trưởng - Phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là thượng tướng, như các thứ trưởng khác.

Về chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, Tư lệnh Bộ Tư lệnh cảnh vệ có cấp hàm cao nhất là Trung tướng tương đương với Tổng cục trưởng.

Dù cũng có ý kiến đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất với các chức danh này chỉ là thiếu tướng nhưng cơ quan giải trình cho rằng, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động được tổ chức tập trung, hoạt động mang tính đặc thù của công an nhân dân, gồm lực lượng đặc nhiệm và lực lượng tác chiến đặc biệt với trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng để làm nòng cốt trong thực hiện biện pháp vũ trang.

Bộ Tư lệnh cảnh vệ thì là đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ các cơ quan và lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia, do đó để đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặc biệt của các đơn vị này trong tình hình mới. “Nới” trần cấp bậc hàm với các chức danh này được đánh giá là phù hợp tới thực tiễn.

Tuy nhiên, với đề xuất quy định cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ Phó tổng cục trưởng phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị là trung tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ chấp nhận một phần.

Theo đó, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng quy định, một phó tổng cục trưởng là Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng (thay vì Phó tổng cục trưởng phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị).

Vẫn liên quan đến trần cấp bậc hàm trung tướng, Chính phủ đề nghị quy định cho các cục trưởng các cục trực thuộc Bộ Công an được mang hàm cấp này (cao hơn hàm của các cục trưởng các cục thuộc tổng cục).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với một số cục có chức năng năng tham mưu chiến lược, hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức toàn lực lượng như, Cục Đối ngoại; Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; An ninh mạng; Cảnh sát giao thông.

Một vị trí khác dự thảo luật do Chính phủ trình đề nghị quy định có cấp bậc hàm trung tướng là Giám đốc Công an Hà Nội, Giám đốc Công an Tp.HCM cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến chỉ đồng ý mức thiếu tướng.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của hai thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng của cả nước, Ủy bam Thường vụ Quốc hội đề nghị trần cấp bậc hàm của Giám đốc công an hai thành phố này là trung tướng. Theo đó, trưởng công an quận là đại tá, trưởng công an huyện, thị xã là thượng tá.

Giám đốc công an các tỉnh, thành phố còn lại có trần cấp bậc hàm là đại tá. Như vậy, đề xuất ban đầu của cơ quan soạn thảo về việc quy định Giám đốc Công an 6 tỉnh thành trọng điểm khác ngoài Hà Nội, Tp.HCM có trần cấp bậc hàm thiếu tướng đã không được chấp nhận.