11:09 21/10/2015

“Kinh tế 2016 có thể khó khăn hơn 2015”

Nguyễn Lê

Có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 dự kiến khó khăn hơn năm 2015

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội.<br>
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội.<br>
Sau khi Thủ tướng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, ngay trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, hôm 20/10.

Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội qua 9 tháng của năm 2015 tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Với 2016, Chính phủ nhìn nhận, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi ổn định. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và tương đối ổn định là điều kiện quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn.

Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu được Chính phủ dự kiến cho 2016 là GDP tăng khoảng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP là 4,95% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 5%...

Nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra đồng tình với dự báo tình hình năm sau, song có ý kiến cho rằng phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 dự kiến khó khăn hơn năm 2015, với tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, nhất là các nước đối tác kinh tế lớn với Việt Nam.

Với thực trạng bội chi ngân sách nhà nước cao, nợ công gần sát trần giới hạn, chu kỳ trả nợ ngày càng lớn, nợ xấu không thể xử lý nhanh, lãi suất cho vay ở mức cao khó giảm theo diễn biến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong khi thị trường vốn phát triển chậm thì dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn nhiều, mức độ điều hành linh hoạt sẽ khó khăn, báo cáo thẩm tra phản ánh.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, Chủ nhiệm Giàu cho biết, đa số ý kiến đồng tình các chỉ tiêu Chính phủ trình. Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung các chỉ tiêu như tỷ lệ về năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), chỉ tiêu về khoa học công nghệ, tỷ lệ hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, một số chỉ tiêu đánh giá hội nhập kinh tế.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ nên bổ sung phương pháp tính toán các chỉ tiêu gửi kèm theo báo cáo thì thuyết phục hơn, ông Giàu cho biết.

Một số thành viên cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cân nhắc một số chỉ tiêu khó khả thi như: tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 10% và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu 5%.

Với bội chi ngân sách nhà nước, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng phục hồi của nền kinh tế chưa mạnh mẽ, nếu như tiếp tục giảm đầu tư công quá lớn trong khi xã hội hóa đầu tư vào khu vực dịch vụ công chưa nhiều sẽ dẫn đến giảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội, việc duy trì mức chi khá cao là cần thiết để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, đề nghị bội chi ngân sách nhà nước là dưới 5%.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ lộ trình giảm bội chi ngân sách nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016-2020, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Liên quan đến các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội 2016, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần tập trung điều hành các chính sách kinh tế linh hoạt hơn đối với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường.

Đồng thời  thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, triển khai đồng bộ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh không thấp hơn 4 nước hàng đầu khu vực ASEAN.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng cần có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với Trung Quốc; xử lý hiệu quả nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu và trình Quốc hội bổ sung hoàn thiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế triển khai giai đoạn 2016-2020 cũng là đề nghị của cơ quan thẩm tra với Chính phủ.