06:36 22/05/2017

Kỳ họp thứ ba của Quốc hội: Giải bài toán khó về nợ xấu

Nguyên Vũ

Dù cập rập về thời gian, dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu vẫn được đưa vào chương trình kỳ họp thứ ba của Quốc hội, khai mạc sáng 22/5

Một phiên họp toàn thể của Quốc hội
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội
Dù cập rập về thời gian, dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu vẫn được đưa vào chương trình kỳ họp thứ ba của Quốc hội khoá 14.

 Khai mạc sáng 22/5 tại Thủ đô Hà Nội, kỳ họp thứ ba của Quốc hội sẽ diễn ra trong một tháng với nhiều nội dung quan trọng. 

Phiên làm việc đầu tiên, sau khi nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày báo cáo thẩm tra về các nội dung nói trên sau khi Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Theo thông lệ, tại kỳ họp đầu năm Quốc hội  dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật với khoảng 13,5 ngày để xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. 

Quốc hội cũng sẽ dành khoảng 6,5 ngày để xem xét, thảo luận và quyết định về các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016,  tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. 

Mặc dù còn nhiều băn khoăn song nội dung tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án trị giá 23.000 tỷ đồng để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đã được đưa vào chương trình dự kiến. 

Trông công tác xây dựng pháp luật, một trong số các bài toán khó đặt ra với Quốc hội tại kỳ họp này chính là phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành nghị quyết của Quốc hội.

Việc này được Chính phủ nhấn mạnh là rất cần thiết, cần thực hiện ngay để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ theo nghị quyết của Quốc hội, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Theo chương trình (dự kiến) của kỳ họp, ngay phiên họp chiều của ngày khai mạc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu tại nghị trường.

Ngay sau đó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này.

Qua các phiên thảo luận tại tổ và ở hội trường, tại phiên bế mạc kỳ họp vào sáng 21/6 nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ được Quốc hội xem xét thông qua.

Qua hồ sơ dự thảo nghị quyết Chính phủ đã gửi đến Quốc hội trước thềm kỳ họp, có thể nói hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành nghị quyết của Quốc hội là bài toán rất khó.

Tại tờ trình, Chính phủ nêu rõ, quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Trong đó có nhiều khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài. 

Gửi báo cáo kết quả kiểm toán năm 2016 đến Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa phản ánh đúng thực chất tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng - Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ này đến cuối 2015 là 2,55%, nhưng nếu tính đầy đủ cả nợ tồn đọng tại VAMC, nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra Ngân hàng Nhà nước phải là 8,85%.

Quá trình xem xét hồ sơ của Chính phủ, cơ quan thẩm tra - Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng còn không ít băn khoăn. Chính phủ cũng đã có giải trình nhưng theo một số ý kiến thì còn chưa đủ thuyết phục.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng thì phạm vi điều chỉnh của dự thảo rất rộng, bao gồm cả việc ”xử lý nợ xấu”, xử lý ”tài sản bảo đảm” của các tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu cũng như các quyền nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan (bao gồm cơ quan tòa án, công an, thi hành án, cơ quan đăng ký tài sản,...) nhưng nội dung dự thảo lại không thể hiện được hết tính bao quát như đã nêu tại phạm vi điều chỉnh. 

Vì thế, có thể nói, hoàn thiện  khuôn khổ pháp lý xử nợ xấu là bài toán không phải khó mà rất rất khó của Quốc hội.