08:47 18/04/2015

Làm sao Quốc hội thực sự kiểm soát được ngân sách?

Nguyễn Lê

"Ở Nhà khách 35 Hùng Vương của Chính phủ, ngày nào, tháng nào cũng gặp cán bộ địa phương lên làm việc nọ, việc kia"

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.<br>
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.<br>
“Tôi nghĩ quyền lực nhà nước có cao cỡ nào cũng không có gì cao nếu không kiểm soát được ngân sách”, đại biểu Trần Du Lịch lập luận tại phiên góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) ngày 17/4.

Kỳ vọng lần sửa luật này sẽ khắc phục được tình trạng chi ngân sách mềm đền tùy tiện đã từng được vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM này bày tỏ khi thảo luận tại kỳ họp cuối năm 2014 của Quốc hội.

Ở phiên thảo luận này, ông Lịch vẫn kiên trì quan điểm làm sao để  không có cơ chế xin - cho khi làm ngân sách.

“Tôi nói thật, tôi thường xuyên ở Nhà khách 35 Hùng Vương của Chính phủ, ngày nào, tháng nào cũng gặp cán bộ địa phương lên làm việc nọ, việc kia”, ông Lịch nói trước các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Khắc phục cơ chế xin – cho khi sửa luật, theo ông Lịch chính là phải xác định cho được phần nào tự chủ ở địa phương để hội đồng nhân dân tự quyết định với dân. "Phần đó phải minh bạch, hoàn toàn có thể làm được. Hiến pháp không cấm chuyện này, tại sao không làm được?", ông Lịch đặt vấn đề.

Với Quốc hội, làm sao Quốc hội thực sự kiểm soát được ngân sách là điều ông Lịch cho rằng không quá khó, vấn đề là có muốn làm hay không mà thôi.

Khác với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Lịch quả quyết là Quốc hội quyết định ngân sách nên qua hai kỳ họp.

"Một năm bình quân khoảng 60 ngày làm việc cho 2 kỳ họp, chúng ta phải dành 10-15% quỹ thời gian đó để bàn ngân sách. Kỳ họp giữa năm bàn nhiệm vụ chi, không bàn ở  tổ mà bàn ở hội trường 3 ngày minh bạch nhiệm vụ chi. Kỳ họp sau cũng họp ở hội trường 3-4 ngày để quyết khung kỳ trước đã bàn".

Sau tính toán trên, đại biểu Lịch khái quát: “Vấn đề gì đưa ra Quốc hội thảo luận minh bạch thì tốt, còn vấn đề gì để dấm dúi thì không tốt. Ngân sách là vấn đề cần minh bạch là phải đưa ra Quốc hội thảo luận”.

Vẫn theo đại biểu này thì nếu minh bạch thì không ai so bì, không ai thắc mắc và “không ai ra nhiều 35 Hùng Vương làm gì”.

Chúng ta không làm luật ngân sách hàng năm như các nước nhưng thông qua một quy trình giống như làm luật, hiệu lực rất cao và không ảnh hưởng gì cả, ông Lịch kiên trì quan điểm.

Đồng ý với phân tích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những thuận lợi và khó khăn của quy trình quyết định ngân sách, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đức Thụ e ngại nếu Quốc hội quyết định ngân sách ở một kỳ họp, các đại biểu Quốc hội phát biểu dù ý kiến đúng đối với dự toán ngân sách, nhưng rất khó tiếp thu.

Bởi vì ngân sách đã làm việc với địa phương từ 15/5 cho đến tháng 10 mới chốt được, ông Thụ lý giải.

Để khắc phục tình trạng sai phạm trong quản lý thu chi rất phổ biến hiện nay, đại biểu Thụ tđề nghị phải thay nghị quyết về ngân sách nhà nước, về phân bổ ngân sách trung ương bằng luật thường niên để tăng cường tính pháp lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Nếu quy trình, thủ tục phức tạp thì sửa luật ban hành văn bản pháp luật là có thể thực hiện rút gọn được, ông Thụ gợi ý.

Cho rằng ngân sách là vấn đề khó, không phải đại biểu nào cũng có thể tiếp cận được, song Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đại biểu Lê Nam nhấn mạnh một nguyên tắc là tất cả các khoản chi phải được Quốc hội quyết định.

“Trên thực tế có nhiều khoản chi lớn mà Quốc hội chưa được quyết định. Tôi đề nghị những khoản chi nào đã gọi là chi của quốc gia thì phải Quốc hội quyết. Ngay cả chi quốc phòng, an ninh bây giờ chúng ta cũng không giấu được, với cơ chế mở hiện nay, thế giới phẳng hiện nay, chúng ta chi việc gì cả thế giới đều biết, thậm chí thế giới biết trước đại biểu Quốc hội”, ông Nam phát biểu.

Quốc hội quyết định ngân sách thực chất hay hình thức là vấn đề hết sức lớn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh tham góp.

Đại biểu Minh cũng nêu một thực tế, khi Quốc hội thảo luận và quyết định ngân sách hàng năm thì mọi việc đã đâu vào đấy rồi. Các địa phương lục tục kéo về Trung ương gặp những bộ liên quan, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bảo vệ kế hoạch của mình. Cho nên mọi việc đã xong rồi mới đưa tới Quốc hội, ông Minh bình luận.

Về cách khắc phục, đại biểu Minh đề xuất là sau khi lập dự toán ngày 15/ 5, thì đến khoảng tháng 7, tháng 8, cùng thời điểm các địa phương bảo vệ kế hoạch ở trung ương cần chuyển ngay các số liệu này và báo cáo ý kiến của cơ quan tiếp cận thẩm tra gửi cho các đoàn đại biểu Quốc hội để thảo luận trước một bước.

Đến tháng 9 thì tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách thảo luận vấn đề này trước khi đưa ra Quốc hội thì ổn hơn và có lẽ là thực chất hơn, đại biểu Minh nói.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ nghiên cứu để báo cáo thêm trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và  Quốc hội về quy trình quyết định ngân sách.