16:23 03/04/2017

Luật Quy hoạch còn nhiều câu hỏi đang bỏ ngỏ

Nguyễn Lê

Sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch vẫn khiến giới chuyên gia băn khoăn về tính khả thi với hàng loạt câu hỏi còn đang bỏ ngỏ

Một số chuyên gia cho rằng việc xây dựng dự án Luật Quy hoạch, theo hướng tích hợp các loại quy hoạch, giao về cho một cơ quan quản lý chung, là không khả thi về mặt khoa học- Ảnh minh hoạ.
Một số chuyên gia cho rằng việc xây dựng dự án Luật Quy hoạch, theo hướng tích hợp các loại quy hoạch, giao về cho một cơ quan quản lý chung, là không khả thi về mặt khoa học- Ảnh minh hoạ.
Nếu quy hoạch ngành, lĩnh vực không có sự cải cách về nội dung, phương pháp, không giảm về số lượng, thậm chí tăng theo dự báo, thì dù có Luật Quy hoạch cũng không khắc phục được tình trạng “loạn quy hoạch” như hiện nay.

Do còn nhiều ý kiến trái chiều, Luật Quy hoạch đã được chọn là một trong 5 dự án luật thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, khai mạc sáng 3/4.

Sau nhiều lần tiếp thu, dự án luật này vẫn khiến giới chuyên gia băn khoăn về tính khả thi với hàng loạt câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.

Khó khả thi

Nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị Bùi Đức Hưng cho rằng việc xây dựng dự án Luật Quy hoạch, theo hướng tích hợp các loại quy hoạch, giao về cho một cơ quan quản lý chung, là không khả thi về mặt khoa học.

Ông Hưng đặt ra hàng loạt câu hỏi: phạm vi, đối tượng, mục tiêu, nội dung nghiên cứu của quy hoạch tích hợp này là gì? Phương pháp luận nghiên cứu dựa trên cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu nào? Phương tiện nghiên cứu bằng gì? Kết quả và sản phẩm nghiên cứu sẽ thể hiện ra sao? Liệu có thể tích hợp các dữ liệu của các đối tượng quy hoạch ở các hệ quy chiếu khác nhau, vật thể và phi vật thể, trong một hệ quy chiếu đồng nhất không? Việc thực hiện lập quy hoạch tích hợp ấy, nếu phải thực hiện, thì theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nào? 

Trên thế giới và Việt Nam đã có tổ chức nào công bố tiêu chuẩn loại quy hoạch tích hợp ấy chưa? Và nguồn nhân lực thực hiện, đã có trưởng đào tạo nào đào tạo chuyên môn về quy hoạch tích hợp này chưa? Và ai, ở ngành quy hoạch nào, được coi là "kiến trúc sư" chủ trì đồ án quy hoạch tích hợp này? đây là vấn đề chưa có lời giải - ông Hưng nhìn nhận.

Do đó, không thể tích hợp hai loại quy hoạch khác nhau là quy hoạch xây dựng và quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành vào cùng một hệ quy chiếu, trong một quy hoạch tích hợp - ông Hưng góp ý.

Tình trạng "loạn quy hoạch" như hiện nay, theo ông Hưng sẽ không khắc phục được nếu quy hoạch ngành, lĩnh vực không có sự cải cách về nội dung, phương pháp, không giảm về số lượng, thậm chí tăng theo dự báo.

Không ai giỏi đến thế

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia Nguyễn Thành Hưng lập luận: hơn ai hết, các bộ là nơi nắm rõ nhất hệ thống quy hoạch hiện nay thừa gì, thiếu gì và Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ cần loại bỏ bớt những quy hoạch thừa mà các bộ đang quản lý, còn những quy hoạch mấu chốt phải giữ lại.

Khi đó, vai trò của Luật Quy hoạch sẽ thể hiện rõ nhất ở việc hệ thống, sắp xếp lại các quy hoạch theo thứ tự trước sau. Đấy là cách giải quyết căn cơ nhất.

Đặt một tham vọng quá lớn hoặc giải quyết quá lớn đồng bộ quy hoạch trong cả nước trong vài năm (theo dự thảo Luật là năm 2019, nghĩa là chỉ trong chưa đến 3 năm nữa) là rất khó.

Quan điểm của ông Hưng là nên chăng, Luật Quy hoạch chỉ là luật khung, giống như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã từng chỉ đạo trong rất nhiều cuộc họp liên quan đến dự án luật này, tức là chỉ cần sắp xếp lại các quy hoạch cho thật logic, loại bỏ quy hoạch thừa, cấu trúc lại để hệ thống quy hoạch không còn trùng lặp, tận dụng tốt các quy hoạch đang có giá trị rất cao về mặt thực tiễn thì hiệu quả của luật sẽ đi sâu vào thực tế. 

Ông Hưng cũng phân tích, bản chất của hoạt động quy hoạch là bài toán của dự báo, có thể là dự báo trong 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm. Không một ai có thể tài giỏi đến mức dự báo được cho sự phát triển tổng thể quốc gia chính  xác cho khoảng thời gian dài như thế. Mặt khác, chưa chắc là quy hoạch của cấp trên đã đúng hơn, mà có khi quy hoạch cấp dưới mới “trúng”.

Chỉ Đại hội Đảng toàn quốc mới làm được 

Nguyên Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhìn nhận, nói như dự thảo Luật Quy hoạch về vấn đề sắp xếp không gian kinh tế - xã hội là không chuẩn. Sắp xếp, bố trí chỉ dùng trong quy hoạch vật thể. 

Theo ông, khái niệm tích hợp cũng là một thuật ngữ mới nhưng lại không có điều khoản nào trong dự thảo luật cập việc xử lý các quy hoạch hiện hữu và thực hiện quy hoạch tương lai. Nếu giải thích “tích hợp” là đồ án quy hoạch do Bộ Xây dựng làm rồi đưa sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định thì không ổn. Bản chất đồ án được làm thế nào, đi vào cuộc sống hay không, tác động thế nào đến người dân chứ không phải quy hoạch ấy chưa được tích hợp, bây giờ phải đưa về Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hoặc phê duyệt lại. Dự thảo cũng không có điều khoản nào giải thích về khái niệm “tích hợp”.

Ông Quân cũng nêu ra hàng loạt câu hỏi: thực tế hiện nay, quy hoạch 63 tỉnh, 16 vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu chiếu theo dự thảo luật Quy hoạch thì các đồ án này chưa được tích hợp thì xử lý thế nào? Kế hoạch thẩm định và phê duyệt lại phải thế nào? 

Cựu Bộ trưởng cũng lưu ý, về quy hoạch tổng thể quốc gia thì lâu nay, chỉ có Đại hội Đảng toàn quốc mới làm được quy hoạch này. Tư vấn không thể làm được quy hoạch tổng thể quốc gia ấy. 

Dự thảo Luật Quy hoạch nói là phải tổ chức đấu thầu cho tư vấn làm, nhưng lại không nói gì đến chủ thể là bên tư vấn này mà toàn nói do cơ quan nhà nước làm. Quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng cũng không quy định cơ quan nào tổ chức lập, chỉ đưa ra quy định Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là người chỉ đạo tổ chức lập. Nếu Thủ tướng, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa lập vừa thẩm định thì rõ ràng là không hợp lý - ông Quân phân tích.