09:58 17/03/2017

Nên bỏ mục tiêu sản lượng lúa, xuất khẩu gạo

Nguyên Vũ

Ngành lúa gạo sẽ có tương lai ảm đạm nếu tiếp tục duy trì diện tích và sản lượng

Hội thảo rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng 17/3.
Hội thảo rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng 17/3.
Từ sản suất đến chế biến, tiêu thụ đặc biệt là xuất khẩu gạo nếu thay đổi từ 10 - 15 năm trước thì ngành lúa gạo không đến nỗi kém cạnh tranh như bây giờ, TS Nguyễn Đình Cung nhận xét.

Rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo là hội thảo được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, sáng 17/3.

Không cần 3,8 triệu ha đất lúa

Bức tranh tổng quát cho thấy diện tích canh tác lúa tăng nhanh từ 2007, chỉ giảm chút ít từ 2014. Sản lượng tăng gần 10 triệu tấn từ 2005 đên 2015. Năng suất cao, năm 2014 đạt 57,6 tạ/ha, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Xuất khẩu gạo đạt tốc tốc độ cao, trung bình 14%/năm về lượng và 10%/năm về giá trị trong giai đoạn 1989 - 2012, nhưng từ 2014 giảm cả về lượng và giá trị.

Mảng chưa sáng của bức tranh là quy mô sản xuất nhỏ, trung bình chỉ 0,44ha/hộ, chất lượng gạo thấp, nhiều chủng loại, không đồng đều. Giá thấp hơn so với nước khác.

Nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra nhiều thách thức trong thời gian tới của ngành lúa gạo.

Như trong khi đất đã hết lại phân mảnh, khó áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất. Biến đối khí hậu, ngập mặn, hạn hán... cũng là những khó khăn không nhỏ. Ngoài ra còn có thói quen canh tác dùng nhiều hoá chất, dẫn đến ô nhiễm, không bền vững.

Rà soát thể chế trong lĩnh vực này cho thấy không ít điểm nghẽn. Như dồn điền đổi thửa được thực hiện từ 1998 nhưng phạm vi hạn chế. Chính sách hạn điền không cho phép sở hữu quyền sử dụng đất quá 33ha, dẫn đến rủi ro kinh doanh khi phải nhờ người khác đứng tên.

Nhận xét được nhấn mạnh tiếp theo là quyền tài sản về đất nông nghiệp bị hạn chế nghiêm trọng. Thời hạn sử dụng vẫn không phải là không xác định như đất ở, bị thu hồi với giá trị bồi thường thấp hơn giá thị trường, doanh nghiệp không được mua đất lúa để trồng lúa....

Nhiều quyền nhưng rất nhiều điều kiện nên rất khó thực hiện, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Rủi ro trong giao dịch đất còn ở chỗ khi thuê đất của nhà nước thì cấp xã chỉ cho thuê tối đa 5 năm, dẫn đến không đầu tư lớn được. 

Nhận định từ nghiên cứu của CIEM là Việt Nam không cần 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Và thể chế hiện nay đang giảm cơ hội thoát nghèo của của nông dân.

Có rào cản gia nhập cao chính là xuất khẩu gạo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nắm vị thế độc quyền, tạo rào cản cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này dễ dẫn đến xin - cho, tiêu cực.

Theo nhóm nghiên cứu, vô số những điều kiện bất hợp lý trong xuất khẩu gạo đã làm thui chột cạnh tranh và sáng tạo, giảm đầu tư, tạo ra bất bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, trái ngược với tinh thần của Hiến pháp.

Bỏ mục tiêu duy trì sản lượng

Trước khi đưa ra những khuyến nghị, nhóm nghiên cứu khái quát: ngành lúa gạo sẽ có tương lai ảm đạm nếu tiếp tục duy trì diện tích và sản lượng.

Một trong những khuyến nghị quan trọng là chuyển đổi tư duy trọng cung, duy lượng sang tư duy trọng chất, đặc biệt coi trọng năng suất lao động và thu nhập của người dân.

An ninh lương thực cũng nên được nhìn nhận là dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng quan trọng hơn lượng gạo, thu nhập là quan trọng nhất vì sản lượng gạo trong nước dư thừa. 

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần bỏ hạn chế về quyền chuyển nhượng đất nông nghiệp để thúc đẩy tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất một cách thị trường. Đồng thời cần có lộ trình bỏ quy hoạch đất trồng lúa, bắt đầu từ các tỉnh không nằm trong đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.

Khuyến nghị tiếp theo là bỏ mục tiêu duy trì sản lượng 39- 40 triệu tấn thóc, xuất khẩu 6 tấn gạo. 

Trong xuất khẩu, CIEM khuyến nghị bỏ các điều kiện xuất khẩu gạo hiện nay quy định trong nghị định 109/2010/NĐ- CP, tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo chất lượng cao, giá trị gia tăng cao với khối lượng nhỏ.

CIEM cũng khuyến nghị bỏ các đặc quyền có tính quản lý nhà nước của VFA, tổ chức lại VFA như một hiệp hội ngành hàng bình thường, có sự tham gia của các thành phần trong chuỗi lúa gạo, nhất là người sản xuất trực tiếp, các thành viên có quyền và nghĩa vụ ngang nhau.