Ngân hàng 0 đồng có thể là trọng tâm kiểm toán 2017
Kiếm toán Nhà nước được đề nghị đánh giá việc cơ cấu lại nợ của các ngân hàng, việc mua - bán nợ tại VAMC
Trọng tâm kiểm toán năm 2017 đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng là việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém, các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Đây là thông tin tại báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán 2017 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chiều 3/10.
Theo báo cáo, năm 2017 toàn ngành tập trung lựa chọn 211 đầu mối, đơn vị, chủ đề kiểm toán (tăng so với 2016 là 16 đầu mối) để tổ chức thành 228 cuộc kiểm toán, tăng so với 2016 là 8 cuộc.
Riêng với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, ngoài hai doanh nghiệp thuộc khối Quốc phòng, thì Kiểm toán Nhà nước dự kiến kiểm toán tại 39 đầu mối, gồm: Ngân hàng Nhà nước, 27 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, 11 ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng, trong đó có hai ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, bối cảnh kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nợ công đã tiệm cận giới hạn cho phép. Trong bối cảnh này, Ủy ban đề nghị Kiểm toán Nhà nước tập trung ưu tiên thực hiện một số nhiệm vụ trong đó có các dự án đầu tư lớn có biểu hiện thất thoát, lãng phí.
Đánh giá việc cơ cấu lại nợ của các ngân hàng, việc mua - bán nợ tại VAMC, việc thoái vốn, bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước, đánh giá và đưa ra kiến nghị để tăng cường công tác quản lý nợ công cũng là đề nghị từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Một số ý kiến tại phiên thảo luận đề nghị bổ sung chuyên đề kiểm toán nợ công, quản lý sử dụng vốn ODA, các dự án BOT...
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói rằng bà rất băn khoăn khi mà 2016 không có vụ việc nào từ kiểm toán được chuyển sang cơ quan điều tra, phải chăng vì kỷ luật tài chính quá tốt hay có sự nương nhẹ?
Trước tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chỉ đạt chưa đến 50%, bà Nga cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước cung cấp thông tin xem cơ quan nào, người đứng đầu đơn vị nào đã không chịu thực hiện kiến nghị của kiểm toán.
Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết sau mỗi kiến nghị cơ quan này đều có thư gửi bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh đề nghị chỉ đạo thực hiện, nhưng vẫn rất khó. Thậm chí, một số trường hợp sau khi kiểm toán kết luận mà theo ông là kết luận đúng, doanh nghiệp bị truy thu thuế còn tổ chức hội thảo mời các nhà khoa học đến và nói kiểm toán làm không đúng.
Nhiều nơi bộ phải phát văn bản đòi như đòi nợ, có nơi thuế làm rồi nhưng kiểm toán làm lại thì truy thu thuế rất lớn, Tổng Kiểm toán nói.
Ông Phớc cũng cho biết đã chuyển một số vụ việc sang cơ quan điều tra, nhưng có lúc cán bộ điều tra lại coi cán bộ kiểm toán như người bị điều tra khiến cho anh em rất mệt mỏi.