17:54 31/10/2016

Ngân sách Nhà nước đã chi gần 925.000 tỷ trong 10 tháng

Bạch Dương

10 tháng, ngân sách Nhà nước đã chi tổng cộng 924.800 tỷ đồng, tương đương 41,4 tỷ USD quy đổi

Từ đầu năm đến ngày 15/10/2016, bội chi ngân sách nhà nước ở mức 188.400 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến ngày 15/10/2016, bội chi ngân sách nhà nước ở mức 188.400 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thống kê, thu ngân sách Nhà nước đến 15/10 đạt 736.400 tỷ đồng, bằng 72,59% dự toán năm. Trong đó thu nội địa đạt 590.400 tỷ đồng, thu từ dầu thô chỉ đạt được 56,6% dự toán tương ứng 30.800 tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 111.900 tỷ đồng.

Trong thu nội địa, thu tiền sử dụng đất đạt 61.200 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường đạt 32.000 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân 51.600 tỷ đồng, thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước đạt 115.500 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 118.200 tỷ đồng.

Riêng thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 148.700 tỷ đồng, chỉ bằng 58% dự toán năm, chủ yếu do các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu, khí, than, khoáng sản và thủy điện gặp khó khăn.

"Thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đạt thấp chủ yếu do ảnh hưởng của giá dầu giảm, đồng thời việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs) làm giảm thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu", Tổng cục Thống kê cho biết.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách ước tính đạt 924.800 tỷ đồng (41,4 tỷ USD), bằng 72,63% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 154.100 tỷ đồng; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 643.200 tỷ đồng.

Đặc biệt, số tiền chi trả nợ và viện trợ đạt 122.400 tỷ đồng.

Như vậy, từ đầu năm đến ngày 15/10/2016, bội chi ngân sách nhà nước ở mức 188.400 tỷ đồng.

Thực tế, việc trả nợ được Chính phủ chú trọng nhiều trong năm nay do bối cảnh nợ công tăng cao. Báo cáo Bộ Tài chính trước đó, trong 9 tháng, tổng giá trị trả nợ là 176.827 tỷ đồng, tiền trả nợ chủ yếu từ ngân sách và một số kênh huy động khác. Tổng số tiền dự kiến trả nợ năm 2016 là 12 tỷ USD.

Báo cáo thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, nợ công tính đến năm 2015 là trên 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép. Nếu tính cả các khoản nợ khác của ngân sách Nhà nước, các khoản nợ có khả năng chuyển đổi thành nợ công, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính bền vững của nợ công, tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.