13:40 25/05/2017

Nhiều BOT xin trả lại dự án

Đinh Tịnh

Các dự án BOT luôn bị cho là “ăn dày”. Thế nhưng sau 5 năm thực hiện, nhiều dự án BOT lại đang xin trả lại cho Nhà nước.

Trước tình trạng thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đầu tư BOT muốn trả lại dự án cho nhà nước.
Trước tình trạng thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đầu tư BOT muốn trả lại dự án cho nhà nước.

Các dự án BOT luôn bị cho là “ăn dày”. Thế nhưng sau 5 năm thực hiện, nhiều dự án BOT lại đang xin trả lại cho Nhà nước.

Ví dụ như BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ) gần đây liên tục có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng nói về việc thua lỗ. Từ 1/8/2016, lượng xe cơ giới qua cầu Hạc Trì giảm rõ rệt, doanh thu chỉ còn khoảng 170 đến 200 triệu đồng mỗi ngày. 

Đề xuất Nhà nước sẽ cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên cầu Việt Trì cũ vì xuống cấp, phương tiện sẽ dồn vào cầu Hạc Trì và phương án tài chính cho dự án được đảm bảo.

Tuy nhiên, do người dân phản đối “cấm đường” với cầu Việt Trì cũ nên cơ quan chức năng cho phép phương tiện dưới 7 chỗ được lưu thông miễn phí qua cầu này, dẫn đến các chủ phương tiện không chọn đi cầu Hạc Trì (phải mua vé).

Với sự thay đổi phân luồng xe, đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án BOT cầu Hạc Trì lâm cảnh thua lỗ nặng, có thể phải thu phí kéo dài đến 40 năm để hoàn vốn. Trong khi, các ngân hàng không cho doanh nghiệp kéo dài lâu như vậy. 

“Trước nguy cơ thua lỗ, doanh nghiệp không có khả năng vận hành trạm thu phí. Chúng tôi muốn bán lại dự án BOT Hạc Trì cho Nhà nước”, đại diện chủ đầu tư nói. Tuy nhiên, sau nhiều lần thương thảo với Bộ Giao thông Vận Tải, các bên chưa tìm ra phương án giải quyết tình trạng thua lỗ của dự án BOT này.

Dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng lâm cảnh thua lỗ. Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi), do chi phí vận hành, lãi vay cũng như khấu hao dẫn đến công ty này lỗ 1.756 tỷ đồng trong năm 2016. 

Tính bình quân, mỗi ngày chủ đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thua lỗ gần 5 tỷ đồng. Đây là dự án có tổng mức đầu tư 45.500 tỷ đồng, phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5-11,4% trong thời gian 30 năm. Để hoàn vốn cho dự án, công này này được phép thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5 cũ.

Ông Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Cienco 4 nói: “Khi chúng tôi làm, ngân hàng, Nhà nước hứa 20%/năm, nhưng đến giờ chỉ là 11,45%, nhiều người nói chúng tôi ăn dầy, không có đâu”.

Xem lại các dự án BOT, có thể thấy Nhà nước chưa có cơ chế đặc thù cho BOT, hay đến giờ mô hình hợp tác công tư (PPP) vẫn chưa hình thành.

Chuyên gia Ngô Trí Long đặt câu hỏi: cho lỗ hay không cần phải hỏi lại chủ đầu tư? 

“Việc bán lại dự án BOT tất nhiên là do hoạt động không hiệu quả. Nhưng cần phải xem lý do cụ thể vì có thua lỗ hay không phải kiểm tra mới biết được. Không loại trừ trường hợp bán lại với giá cao hơn”, ông Long nói.