06:12 07/03/2015

Ông Giàng Seo Phử lần đầu lên “ghế nóng”

Nguyễn Lê

Có tới 11 vị bộ trưởng sẵn sàng "chia lửa" khi ông Giàng Seo Phử trả lời chất vấn

Kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay, đây là lần đầu tiên ông Giàng Seo Phử được chọn trả lời chất vấn trực tiếp, vị trí vẫn thường được ví von là “ghế nóng”.
Kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay, đây là lần đầu tiên ông Giàng Seo Phử được chọn trả lời chất vấn trực tiếp, vị trí vẫn thường được ví von là “ghế nóng”.
Như VnEconomy đã đưa tin, ngày 13/3 tới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử sẽ trực tiếp đăng đàn tại phiên chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay, đây là lần đầu tiên ông Giàng Seo Phử được chọn trả lời chất vấn trực tiếp, vị trí vẫn thường được ví von là “ghế nóng”.

Cho dù, sức nóng của các phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chắc chắn không thể bằng đăng đàn trực tiếp trước Quốc hội.

Với thời gian khoảng 2,5 - 3 ngày tại mỗi kỳ họp Quốc hội và mỗi lần một ngày cho hai phiên giữa hai kỳ họp, chất vấn vẫn luôn là hoạt động eo hẹp về thời gian. Và vì thế, viêc lựa chọn nhân vật cho “ghế nóng” không phải dễ dàng. Các vị trong danh sách có thể được chọn cũng không phải không ít nhiều có áp lực.

Bởi, lên “ghế nóng” không phải việc thôn lần xã lượt, có vị bộ trưởng 3 kỳ họp Quốc hội thì hai lần được chọn, cũng có vị đã qua 8 kỳ vẫn chưa lọt vào danh sách ứng viên, như ông Giàng Seo Phử.

Điều này, theo lời một vị là thành viên đoàn thư ký kỳ họp thì cũng khiến ông Giàng Seo Phử băn khoăn.Vì bản thân ông cũng muốn được một lần trực tiếp lắng nghe và trả lời chất vấn của các vị đại diện cho dân ở cơ quan đại diện cao nhất.

Một trong các căn cứ để chọn người đăng đàn trực tiếp là các chất vấn bằng văn bản của các vị đại biểu Quốc hội gửi đến các vị bộ trưởng và trưởng ngành.

Trước thềm phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ông Giàng Seo Phử đã không nhận được câu hỏi nào từ các vị đại biểu. Trong khi không ít thành viên Chính phủ khác đều nhận được hàng chục văn bản chất vấn.

Lần này, chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến giữa hai kỳ họp cũng chỉ là một trong ba yếu tố hợp thành cơ sở để lựa chọn người trả lời chất vấn. Hai thành tố còn lại là ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8 và ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước và dư luận xã hội trong thời gian qua.

Từ đây, ba nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Giàng Seo Phử đã được xác định.

Một là việc thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, những khó khăn, thách thức và triển vọng, kết quả đến hết năm 2015.

Thực trạng và giải pháp sắp xếp bố trí dân cư vùng thường xảy ra thiên tai, vấn đề di cư tự do, đào tạo nghề, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào thiểu số là nhóm vấn đề thứ hai.

Nội dung thứ ba các đại biểu sẽ chất vấn là giải pháp giải quyết vấn đề ma túy và một số hủ tục, mê tín dị đoan trong vùng dân tộc thiểu số.

Có thể nói, đây là những vấn đề rất rộng, không chỉ thuộc trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc mà còn “động chạm” đến không ít bộ ngành khác.

Vì thế, danh sách các vị ở hàng ghế sẵn sàng tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan khá dài, gồm 11 vị bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Công an, Y tế, Văn hóa, thể thao và du lịch, Giáo dục và đào tạo, Lao động, thương binh và xã hội, Giao thông vận tải.

Rộng, song nhiều nội dung trong ba nhóm vấn đề nêu trên cũng đã từng được chính Bộ trưởng Giàng Seo Phử hoặc đã giải trình trước Hội đồng Dân tộc của Quốc hội hoặc từng phát biểu trước Quốc hội.

Vào tháng 4/2014, tại phiên giải trình do Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông Giàng Seo Phử đã quả quyết: “Tôi có bị thi hành kỷ luật cũng chịu, chứ chả lấy đất đâu cho đồng bào thiểu số được”.

Và câu hỏi được ông đặt ra khi đó là: "Luật nào quy định Ủy ban Dân tộc có chức năng quản lý đất đai? Không có chức năng, không được bố trí nguồn lực thì Ủy ban Dân tộc lấy cái gì để mà giao đất?".

Đến kỳ họp Quốc hội tháng 6/2014, tại phiên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012 Bộ trưởng nói, trong các cuộc tiếp xúc cử tri ông đã phê phán rất mạnh tư tưởng trông chờ, đòi hỏi của nhiều gia đình nghèo.

Bởi, “Đảng và Chính phủ cho đồng bào mình rất nhiều thứ còn đến thời điểm này thì đồng bào mình không phải cho Chính phủ thứ gì, thuế cũng không phải nộp”.

"Tôi rất muốn các đồng chí chất vấn tôi để tôi trả lời, nhưng không có ai chất vấn cả". Đó là lời ông Giàng Seo Phử đã nói ở phiên giải trình về đất cho đồng bào dân tộc thiểu số gần một năm trước.

Và lần này, hẳn là sẽ có nhiều chất vấn, để ông được trả lời.