Quảng Ninh đang có gì trong tay khi Vân Đồn sắp thành đặc khu?
Dự thảo nghị quyết thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn đã gửi đến các đại biểu Quốc hội
Trước thềm khai mạc kỳ họp thứ tư của Quốc hội, dự thảo nghị quyết về việc thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã được gửi đến các vị đại biểu.
Như vậy, ngày Vân Đồn trở thành đặc khu có thể đã khá gần. Vậy, Quảng Ninh đã có gì ngoài lợi thế tự nhiên của Vân Đồn?
Trao đổi với báo chí một số thông tin về đề án thành lập đặc khu Vân Đồn mới đây, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Văn Thành nhiều lần nhấn mạnh sự chủ động của Quảng Ninh.
Ông Thành cho biết đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn đã được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, chuẩn bị từ năm 2012 với trên 50 hội nghị, hội thảo và các buổi tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học.
Tỉnh cũng đã đẩy mạnh mời gọi, thu hút đầu tư, đã thu hút được trên 55.100 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào Vân Đồn và hệ thống hạ tầng. Đặc biệt trong 3 năm (2015-2017), tỉnh đã thu hút khoảng 36.000 tỷ đồng đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông quan trọng.
Dự kiến đến quý 1/2018, tỉnh sẽ khánh thành, đưa vào sử dụng chuỗi dự án: Cầu Bạch Đằng; Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh. Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dự kiến khởi công trong năm 2017. Tỉnh đã lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để phát triển các dự án động lực tại Vân Đồn.
Đầu tháng 10, không khí thi công hối hả tại Vân Đồn, từ cảng hàng không đến khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp trên đảo Cái Bầu. Dù vậy, Vân Đồn vẫn rất quyến rũ với nhiều khoảng lặng của vịnh Bái Tử Long với 600 hòn đảo lớn nhỏ.
Phó chủ tịch Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành nói, vịnh Bái Tử Long đẹp không thua kém gì vịnh Hạ Long. Mặt khác, lợi thế của Bái Tử Long chính là sự hoang sơ, sinh thái, chưa từng bị tác động, can thiệp bởi bàn tay con người. Các nhà khoa học, nhà đầu tư đến đây đều đánh giá đó là điểm mạnh lớn của Vân Đồn để có thể gửi gắm những ý tưởng tạo dựng khác biệt.
Ông Thành cũng cho biết, thời gian tới phía bên phải chùa Cái Bàu - một nơi lý tưởng để chiêm ngưỡng Bái Tử Long - sẽ thành hình một khu resort đẳng cấp do phía Nhật Bản đầu tư với tiêu chí đề ra là hài hòa với cảnh quan, giữ gìn môi trường, “đứng chân” lâu dài, phát triển bền vững.
Điều này rất phù hợp với định hướng phát triển của đặc khu với một trong ba mũi nhọn là du lịch, văn hóa: dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino; trung tâm giải trí có thưởng quốc tế; du lịch sinh thái, văn hoá; khu nghỉ dưỡng cao cấp; công nghiệp văn hóa.
Nói về thách thức phải đối mặt của Vân Đồn khi ngay trong nước cũng đã có nhiều vùng trọng điểm du lịch biển, Phú Quốc cũng đang được xây dựng thành một đặc khu du lịch, tài chính cũng như việc phải cạnh tranh với nhiều đặc khu đã thành công khác trong khu vực, ông Thành xác nhận, đây là điểm mấu chốt khó, phức tạp cần giải quyết trong đề án thành lập đặc khu của Quảng Ninh.
“Đây là vấn đề được chỉ đạo xuyên suốt mà nếu không phải để đáp ứng những tiêu chí này, chúng tôi đã không cần dày công chuẩn bị cho đề án trong suốt 5-7 năm vừa qua. Chúng tôi rất tự tin là xây dựng đặc khu Vân Đồn, dù khó nhưng cũng sẽ sớm thành công. Cá nhân tôi xuất phát từ doanh nghiệp, bao giờ cũng tính toán thực tế chứ không viển vông”, ông Thành quả quyết.
Phó chủ tịch Quảng Ninh cũng khẳng định, Quảng Ninh đã có bước chuẩn bị từ rất sớm, nhưng "phải đi thế nào để đảm bảo những bước chắc chắn, đảm bảo sự hội tụ cho tương lai thành công chứ nếu đi nhanh nhưng đến đích mà không đảm bảo mục tiêu yêu cầu thì không phải điều chúng tôi hướng tới".
Thành công trong việc vận hành đặc khu Vân Đồn, theo ông Thành thì không phải chỉ dựa vào lợi thế, tiềm năng du lịch mà trước hết phải là cơ chế chính sách, là chính quyền điện tử, sau đó sẽ tới cấp độ thành phố thông minh và công nghệ 4.0.
Theo đó, với những ngành nghề ưu tiên, trước hết là tạo cơ chế để thúc đẩy mạnh, tạo cú hích lớn. Mảng du lịch là du lịch đẳng cấp cao, tạo giá trị gia tăng, sức lan tỏa lớn, thu hút được những luồng khách lớn nhất thế giới. Và dù định hướng làm du lịch cũng phải đưa vào yếu tố công nghệ cao, tương đương mô hình các đặc khu thế hệ thứ 3, thứ 4 để đảm bảo sức cạnh tranh.
Còn thu hút đầu tư, theo ông Thành, là từ thể chế vượt trội chứ không hẳn chỉ là những ưu đãi thuế, phí. Hướng tiếp cận của Quảng Ninh với vấn đề này là quan tâm tới môi trường đầu tư kinh doanh, tới tính an toàn để nhà đầu tư cảm thấy “chắc ăn” khi quyết định vào Vân Đồn cùng làm ăn, cùng sinh sống.
Minh chứng sinh động là sân bay quốc tế Vân Đồn với vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng – dự án giao thông duy nhất thuộc lĩnh vực hàng không được thực hiện toàn bộ bằng hình thức BOT, vòng đời dự án ước tính kéo dài 45 năm, như một ví dụ về khả năng thu hút những nhà đầu tư gắn bó lâu dài, “ăn đời ở kiếp” với Quảng Ninh.
Nhìn lại quãng thời gian dày công chuẩn bị cho sự ra đời của đặc khu Vân Đồn, vị lãnh đạo Quảng Ninh kể rằng 5 năm trước, tỉnh cũng đã mời gọi những nhà đầu tư lớn từ Mỹ. Có nhà đầu tư đáp cả chuyến chuyên cơ từ nửa vòng trái đất sang nhưng trong 5 phút làm việc, các nhà đầu tư Mỹ chỉ đặt ra 4 câu hỏi. Quy hoạch Vân Đồn có tầm quốc gia hay không? Những kết nối hạ tầng như sân bay, bến cảng trong dự kiến khi nào có? Nếu tiến độ đưa ra chậm, ai là người chịu trách nhiệm? Ai là người mà nhà đầu tư sẽ thường xuyên gặp gỡ, giải quyết công việc - người chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, chứ không phải nay gặp đầu mối này, mai chuyển người phụ trách khác?
Khi ấy, Quảng Ninh chưa thể trả lời rành mạch với các nhà đầu tư và đành bỏ lỡ cơ hội.
“Chúng tôi đã chủ động dừng lại để có bước đi, chuẩn bị vững chắc hơn, để đến thời điểm có thể trả lời đầy đủ những câu hỏi đó. Vậy là chúng tôi đi sau, đi muộn nhưng tới đây sẽ có sự tăng tốc. Đi sau không có nghĩa chúng ta không thể đi cùng cả thế giới vì xu hướng hội nhập đã là tất yếu”, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thành nói.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan thông tin thêm là đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng nhiều lần tiếp xúc cử tri, nhận và giải đáp đầy đủ những câu hỏi, thắc mắc về cơ chế chính sách khi thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, về cơ hội của người dân địa phương để tham gia làm dịch vụ, mở mang hoạt động sản xuất tại đây.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Thị Hoàng trao đổi, Quảng Ninh thận trọng nhưng không cầu toàn trong đề án làm đặc khu kinh tế Vân Đồn. Không nhất thiết có một luật riêng cho Vân Đồn mà Quảng Ninh hướng tới xác định những đặc thù riêng như vấn đề thị trường gắn với khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) để xây dựng cơ chế phù hợp.
Bà Hoàng cũng nhấn mạnh nguyên tắc sẽ không xin tiền ngân sách để đầu tư cho Vân Đồn mà chỉ cần cơ chế để lôi kéo, lan tỏa, để tạo nên được mô hình mới tại đây.