09:04 23/10/2014

Quốc hội không cần người "chỉ tay năm ngón"

Nguyên Hà

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương góp ý sửa Luật Tổ chức Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương
Đừng có chọn người có chức vụ về làm đại biểu chuyên trách, vì người có chức vụ hay chỉ tay năm ngón lắm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương góp ý sửa Luật Tổ chức Quốc hội, chiều 22/10.

Thay vì ấn định trong một buổi, phiên thảo luận về dự án luật này đã vắt từ nửa buổi sáng sang buổi chiều, sau khi Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra hai dự án luật khác.

Đây cũng là sự đổi mới nho nhỏ trong hoạt động của Quốc hội, các kỳ họp trước đại biểu có thể nghỉ sớm sau khi hết chương trình đã được ấn định cho một buổi làm việc. Sự đổi mới này giúp cho số ý kiến thảo luận tại hội trường được nhiều hơn.

Chỉ bàn về một vấn đề là tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương nhận xét quy định của dự thảo luật còn quá chung chung, vẫn giống tiêu chuẩn của cán bộ công chức bình thường.

Cần quy định đại biểu phải trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân, để khi biểu quyết vấn đề gì, ví dụ dự án sân bay Long Thành chẳng hạn, phải trên lập trường lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân mà quyết định, ông Đương nói.

Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh, để tránh phát biểu ý kiến của người khác, phát biểu xuôi chiều thì cần quy định rõ là đại biểu phải có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động và có năng lực đại diện cho dân, phải dám nói dám làm và dám chịu trách nhiệm về hành vi và lời nói của mình.

Đang là một đại biểu chuyên trách, ông Đương cho rằng tiêu chuẩn của đại biểu chuyên trách cũng đòi hỏi phải cao hơn, ngoài tố chất bẩm sinh dứt khoát phải từng trải qua thực tiễn, phải tinh thông nghiệp vụ.

Phải căn cứ vào năng lực, ít nhất là chuyên viên cao cấp và có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sẽ hoạt động, đừng có chọn người có chức vụ về, vì người có chức vụ hay chỉ tay năm ngón lắm, ông Đương thể hiện chính kiến.

Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh, đại biểu chuyên trách được đãi ngộ tốt rồi thì phải "nhả tơ nhả mật", tức là đề xuất chính sách pháp luật. Cần quy định mỗi kỳ họp đại biểu chuyên trách phải phát biểu trước hội trường một lần, ông Đương góp ý.

Cũng bàn về tiêu chuẩn đại biểu, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tp.HCM cho rằng nếu nói đại biểu phải có phẩm chất đạo đức tốt thì rất chung chung và khó nhận diện được đại biểu ở cơ quan đại diện cao nhất.

Nên thêm tiêu chuẩn trung thực và bản lĩnh để đại biểu có thể nêu chính kiến và nhận diện được đúng sai, bà Tâm đề nghị.

Cũng chỉ chọn một vấn đề duy nhất, đăng đàn sau gần 30 vị, đại biểu Dương Trung Quốc thêm một lần thể hiện chính kiến của mình về cách thức biểu quyết tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Một trong các hình thức biểu quyết được quy định tại dự thảo luật và vẫn được Quốc hội thực hiện lâu nay là biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Theo ông Quốc, quy định này không ăn nhập gì cả, bởi  nguyên tắc quan trọng nhất là tính công khai, công nghệ điện tử có ưu việt nhưng nửa kín nửa hở hạn chế sự giám sát,đánh giá của cử tri với đại biểu mà họ đã bầu ra.

Khi chưa có hình thức biểu quyết này,  đại biểu biểu quyết bằng cách giơ tay, cách này theo đại biểu Quốc là thô sơ nhưng lại có ý nghĩa. Bởi giơ tấm phiếu trước thanh thiên bạch nhật, còn hiển thị con số trên bảng điện tử hiện nay chả khác gì bỏ phiếu kín, chỉ là những con số vô hồn.

Quốc hội đã có nhà mới, cần phải cải tiến để kết quả biểu quyết hiển thị cụ thể chính kiến của đại biểu để mọi người dân giám sát, đây là vấn đề hết sức quan trọng, ông nghị Dương Trung Quốc, một trong số ít các vị đại biểu đang ở nhiệm kỳ thứ ba đề nghị.

Bên cạnh hai vấn đề nêu trên, các ý kiến khác đề cập nhiều quy định khác nhau của dự thảo luật. Như, dự thảo luật cần quy định làm Hiến pháp là quyền của toàn thể nhân dân, cần năng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên ít nhất 40% hay đại biểu Quốc hội cũng nên mua phí cầu đường như các công dân khác...