09:11 02/06/2017

Tách dự án sân bay Long Thành: “Không thể hồn nhiên”

Nguyên Vũ

Nhiều đại biểu cho rằng cần phải cụ thể hơn nữa về phương án tài chính

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân phát biểu tại tổ.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân phát biểu tại tổ.
“Tách dự án là giải quyết tình thế, cách làm này không đồng bộ, cần phải rút kinh nghiệm chứ không thể hồn nhiên”, đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, chiều 1/6.

Nội dung thảo luận là việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần để thực hiện trước.

“Phải tính chắc”

Là người đã tham gia thảo luận và quyết định chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết 94 của Quốc hội khoá trước, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) cho rằng khi đó Quốc hội cũng chưa hình dung hết các vấn đề nên ra nghị quyết mang tính chủ trương, “quên” mất cấu phần quan trọng của dự án là thu hồi đất, mặc nhiên coi là đã có mặt bằng.

Ông Tiến góp ý nên sửa nghị quyết này, 3 giai đoạn của dự án sửa thành 4 giai đoạn, và giai đoạn đầu chính là thu hồi đất, chứ không cần ban hành nghị quyết mới.

Cho rằng lý do việc xin tách không đơn thuần như thế, đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) nhấn mạnh việc này cho thấy cách làm việc không đồng bộ. Dự án không hề nhỏ, giải phóng đến 5.000 ha, vốn đến 23 nghìn tỷ, không thể có tư duy mặc nhiên là mặt bằng đã có, trong khi đều là những người có kinh nghiệm rồi.

“Lý sự gì thì lý sự chứ đây là tình huống phải xử lý, anh bảo để tách ra để làm dự án nhanh hơn thì đúng, nhưng đúng ra là anh phải chỉ được chỗ còn thiếu của 23 nghìn tỷ lấy ở đâu, thì mới là đồng bộ, cách làm này phải rút kinh nghiệm”, ông Quân góp ý.

Về mặt pháp lý, dù ý kiến chung trong Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với cơ sở pháp lý của việc tách như Chính phủ trình, song ông Quân đặt giả thiết, sau này khi Chính phủ trình mà Quốc hội không đồng ý thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi, thì lúc đó rối như canh hẹ.

“Đã quyết cho tách thì sau này Quốc hội kiểu gì cũng phải thông qua, chứ nếu không thì lôi thôi lắm, phải tính chắc”, ông Quân lo ngại.

Đại biểu Quân cũng lường đến tình huống khi tiến hành giải phóng mặt bằng dân trong vùng dự án họ kiện về mặt pháp lý, báo cáo nghiên cứu khả thi Quốc hội chưa thông qua thì biết giải thích với dân thế nào, rồi “bên ngoài dòm ngó nữa”.

“Về mặt pháp lý phải củng cố cho chắc, để dễ làm”, ông Quân góp ý.

Cùng quan điểm với nhiều vị khác, đại biểu Quân cho rằng cần phải cụ thể hơn nữa về phương án tài chính, phải chỉ rõ địa chỉ 23 nghìn tỷ, chứ không “nói lơ mơ” được.

Tuy nhiên, những rủi ro ông Quân đề cập trên, theo đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) thì xác suất cũng không có nhiều. Và trong nghị quyết Quốc hội. hoàn toàn có thể cho phép thu hồi đất, ngay cả khi chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

“Quyết là phải tách”

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghe về dự án này và cũng rất băn khoăn. Quốc hội khóa 13 đã thông qua chủ trương đầu tư, lúc đó quyết định chia dự án làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn phải có báo cáo khả thi riêng.

“Lúc đó cũng có ý kiến có nên thu hồi đất một lần hay không? Quốc hội đã bàn rất kỹ và quyết định là phải thu hồi đất một lần. Rõ ràng là năm 2017 - 2018 chưa làm được báo cáo khả thi cho dự án giai đoạn 1, sớm nhất cũng phải đầu năm 2019, như vậy thì rất chậm”, ông nói.

“Vốn đầu tư trung hạn đã quyết 5 năm 2016 - 2020, đã dành 5.000 tỷ đầu tư cho giải phóng mặt bằng Long Thành, mà đến 2020 mới triển khai vốn thì đất nước chậm phát triển, mà lãng phí rất lớn. Nên tôi cho rằng quyết là phải tách”, ông nhấn mạnh.

“Việc tách có vướng luật không? Luật Xây dựng cho phép công trình nhóm A có thể tách thành dự án thành phần. Luật Đất đai cũng cho phép. Cũng phải nói là tách ra không có nghĩa là Quốc hội quyết lại chủ trương đầu tư”.

“Do đó, đề nghị Quốc hội cho tách ra thành nghị quyết riêng, giao Chính phủ làm báo cáo khả thi của dự án tách ra này báo cáo Quốc hội ở kỳ họp thứ 4. Như vậy mới nhanh được”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là dự án trọng điểm quốc gia. Từ ngày Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư đến nay đã hai năm rồi, nhưng đến nay chưa có báo cáo khả thi là chậm.

Vì thế, hôm nay mới phải tách dự án thành phần ra làm trước, để không làm ảnh hưởng đến tiến độ giai đoạn 1.

Khi lập báo cáo tiền khả thi, tiền bồi thường chỉ có 12 nghìn tỷ, tới thời gian Quốc hội thông qua đã tăng lên 18 nghìn tỷ, cho đến hiện nay tăng lên 23 nghìn tỷ. Con số 23 nghìn tỷ này là do có bao gồm hơn 600 ha đất cho tái định cư (chưa được Quốc hội khóa 13 thông qua trong Nghị quyết 94 - PV).

“Thực ra thêm đất này là phải trình Quốc hội rồi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. “Chỉ nghị quyết của Quốc hội mới thực hiện được dự án này với số tiền, với lượng đất thu hồi lớn như thế. Ban hành nghị quyết riêng là đúng, chứ không phải sửa Nghị quyết 94”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa chia sẻ, ông rất lo lắng về tiến độ dự án sân bay Long Thành, và tha thiết mong đại biểu chấp thuận đề nghị của Chính phủ.