13:59 30/11/2014

Tái cơ cấu không xong, sếp doanh nghiệp chịu trách nhiệm!

Nguyên Hà

Sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp

Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua hôm 28/11 đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, để đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành.
Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua hôm 28/11 đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, để đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành.
Không hoàn thành việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo đề án thì chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty các doanh nghiệp nhà nước bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Đây là thông điệp tại báo cáo của Chính phủ về tình hình doanh nghiệp nhà nước mới được gửi đến Quốc hội.

Thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được các bộ quản lý ngành và ủy ban nhân dân cấp tỉnh “quyết liệt triển khai thực hiện”.

Tính đến tháng 10/2014, đã có 90/108 tập đoàn, tổng công ty được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án tái cơ cấu. Trong đó Thủ tướng phê duyệt 20 đề án, các bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt 70 đề án, còn 18 tổng công ty nhà nước chưa được phê duyệt đề án tái cơ cấu, ông Dũng cho biết.

Một trong những kết quả tái cơ cấu được nêu tại đề án là thoái vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2014, giá trị thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty ước đạt 2.415 tỷ đồng, ước thực hiện trong tháng 10/2014 là 114,863 tỷ đồng.  

Tính đến 30/9/2014, các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện thoái vốn được 2.300,137tỷ đồng, trong đó chứng khoán 89,6 tỷ đồng, ngân hàng, tài chính 2.029,918 tỷ đồng, bảo hiểm 104,573 tỷ và quỹ đầu tư là 76 tỷ.

Chính phủ đánh giá, qua hai năm thực hiện đề án tái cơ cấu, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước từng bước được cải thiện đáng kể, tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính đã từng bước được khắc phục và chấn chỉnh.

Đến nay, cơ bản các doanh nghiệp đã và đang được sắp xếp để Nhà nước chỉ tập trung nắm giữ ở một số lĩnh vực như: cung ứng các dịch vụ thiết yếu, trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng, an sinh, xã hội, các sản phẩm công ích và các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế mà các thành phần kinh tế khác chưa có khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội.

Dù được cho là triển khai quyết liệt, tuy nhiên Chính phủ cũng nhìn nhận quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là kinh tế tăng trưởng thấp nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chưa khắc phục hoặc chưa xử lý được những tồn tại về tài chính, thị trường chứng khoán, bất động sản chưa ổn định và tăng trưởng nên việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa còn chậm, chưa thực hiện được, Bộ trưởng Dũng viết.

Nêu phương hướng, nhiệm vụ đến hết 2015, ông Dũng cho biết Chính phủ xác định đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.

Theo đó, sẽ chuyển các doanh nghiệp không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh độc lập thành các đơn vị phụ thuộc của tập đoàn, tổng công ty nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Một trong các giải pháp là sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tiến độ hiệu quả.

Đây cũng là vấn đề từng được đề cập khi Quốc hội giám sát tối cao về tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Kết quả giám sát cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm là do chưa xem xét, xử lý một số doanh nghiệp chần chừ trong quá trình triển khai tái cơ cấu để làm gương và tạo áp lực buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.