15:31 22/08/2014

“Tái” khó “chín”, địa phương ngao ngán

Đoàn Trần

Tái cơ cấu nền kinh tế đang phải đối mặt với một khoảng trống chính sách pháp luật lớn

Tái cơ cấu nền kinh tế đang phải đối mặt với một khoảng trống chính sách
 pháp luật lớn, mà địa phương phải chờ Trung ương chứ không thể tự làm 
được.
Tái cơ cấu nền kinh tế đang phải đối mặt với một khoảng trống chính sách pháp luật lớn, mà địa phương phải chờ Trung ương chứ không thể tự làm được.
Ngoài sự lúng túng về những bước đi cụ thể trong tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng khi nội hàm tái cấu trúc hiện nay chưa rõ, địa phương còn rơi vào tâm trạng sợ “thiệt” khi quá trình “tái” này theo dự cảm của họ là khó “chín”.

Bài toán dang dở

Tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng đoàn Quốc hội Tp.HCM, TS. Trần Du Lịch  dẫn ngay ra ví dụ rằng “ngay cả Tp.HCM, đầu tàu của nền kinh tế quốc gia, cũng phản ánh rằng, nội hàm tái cấu trúc hiện nay chưa rõ”.

Thực tế, không phải chờ đến năm 2011, khi có chủ trương của Trung ương về tái cơ cấu nền kinh tế mà ngay từ khi có Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị năm 2002 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2010, Tp.HCM đã có nhiều nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế như: xây dựng khu công nghệ cao, khu công nghiệp phần mềm, khu y tế kỹ thuật cao, khu cơ khí, khu nông nghiệp kỹ thuật cao, hay lập quỹ bảo lãnh tín dụng...

Tp.HCM đã phát huy tối đa các cơ chế đặc thù mà Trung ương giao cho để nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của mình. Nhưng cuối cùng, cũng không thể thực hiện được các bước đột phá trong tái cơ cấu bởi các chính sách hiện nay còn quá chung chung.

Tái cơ cấu nền kinh tế đang phải đối mặt với một khoảng trống chính sách pháp luật lớn, mà địa phương phải chờ Trung ương chứ không thể tự làm được.

Trong khi đó, các chính sách ở Trung ương thì vừa qua, dù được ban hành rất nhiều nhưng thực hiện thì không phải chính sách nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn.

Chẳng hạn chính sách liên kết 4 nhà. Khi làm việc tại huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, các thành viên đoàn giám sát đã hỏi rất kỹ về việc phát triển cây mía như một giống cây trồng chủ lực của địa phương này. Nhưng có thể thấy rõ sự lúng túng của chính quyền địa phương khi chưa xác định được cụ thể Nhà nước làm gì, nông dân làm gì, nhà khoa học làm gì và doanh nghiệp làm gì để nâng cao chất lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế của cây trồng chủ lực này.

Hay đối với chính sách về hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, cũng ban hành khá nhiều nhưng sự phối hợp ở từng địa bàn lại chưa tốt nên kết quả không cao.

Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và Kết luận của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 3 đã xác định chủ trương chung về tái cơ cấu nền kinh tế, sau đó Chính phủ đã ban hành đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng.

“Tuy nhiên, các địa phương đều phản ánh rằng đề án mới nêu mục tiêu, còn chính sách giải pháp thúc đẩy thế nào thì chưa rõ. Trong khi tái cơ cấu muốn hiệu quả thì dứt khoát phải có chính sách, giải pháp và lộ trình cụ thể. Nói nôm na là, chúng ta mới ra đầu bài thôi, còn chưa có phương pháp giải quyết. Đây vẫn đang là bài toán dang dở”, ông Lịch nói.

Tốt ở trên, bí ở dưới


Đứng ở góc độ khác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên lại thấy rằng qua việc giám sát tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Định, có những chính sách của Trung ương rất tốt nhưng khi triển khai ở địa phương thì lại rất... bí.

Chẳng hạn, về việc xây dựng các bệnh viện bằng chính sách hợp tác công tư (PPP).

“Dường như chúng ta vẫn đang băn khoăn giữa việc đầu tư như vậy thì những bệnh viện này có vì mục tiêu lợi nhuận hay bệnh viện là doanh nghiệp xã hội? Và kết quả là đến nay, chúng ta chưa có một cơ chế rõ ràng đối với bệnh viện tư. Hoặc ngay tại Quảng Ngãi, chúng ta kêu gọi BOT hoặc PPP trong lĩnh vực giao thông, nhưng nếu kêu gọi để làm thêm một con đường nữa thì thành ra Quảng Ngãi lại thừa... đường giao thông”, ông Kiên nói.

Cũng theo vị Phó chủ nhiệm này, tư tưởng chỉ đạo về tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là ba lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng là đúng, nhưng khâu thực hiện lại chưa chọn được vấn đề cụ thể để đột phá.

Nói cách khác, việc đưa ra chính sách vĩ mô đúng nhưng tổ chức thực hiện lúng túng đã làm giảm tính tích cực của chính sách, thậm chí mất tính kịp thời dẫn tới hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.

Vai trò của Quốc hội và Chính phủ trong việc định hướng mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế cho các bộ, ngành, địa phương trên cả nước là đúng, nhưng thực tế cho thấy có lúc việc triển khai cho từng vùng, từng địa phương còn lúng túng, còn buông.

Ông Kiên nhấn mạnh: “Ở đây, tôi cho rằng có vai trò và trách nhiệm của các bộ với tư cách là tư lệnh ngành cũng như vai trò của Chính phủ với tư cách là cơ quan điều hành cao nhất của cả nước”.

Ông Kiên còn nêu lên một tâm lý sợ “thiệt” của các địa phương. Cụ thể, có tình trạng hiện nay là doanh nghiệp trước cổ phần hóa được địa phương dành rất nhiều ưu đãi cả về chính sách và cán bộ để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhưng sau cổ phần hóa thì toàn bộ vốn của các doanh nghiệp này giao cho SCIC quản lý, và phần lớn nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa lại không phục vụ cho sự phát triển của địa phương.