10:22 29/03/2017

Tăng trưởng công nghiệp thấp nhất từ 2011 kéo tụt GDP

Bạch Dương

"Dự báo kinh tế nước ta sẽ có nhiều thách thức hơn thuận lợi", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói

Ngành khai khoáng sụt giảm mạnh trong quý 1/2017. 
Ngành khai khoáng sụt giảm mạnh trong quý 1/2017. 
"Công nghiệp tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011 đã kéo tụt GDP và ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế", là chia sẻ của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại cuộc họp báo kinh tế quý 1/2017 diễn ra sáng 29/3.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2017 ước tăng 5,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực nông - lâm- thuỷ sản tăng 2,03%, chỉ đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17% đóng góp 1,46 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,52%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tăng trưởng quý 1 năm nay tăng cao hơn mức tăng của cùng kỳ giai đoạn 2012 -2014 nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.

Trong khu vực nông - lâm - thuỷ sản, ngành nông nghiệp cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (giảm 2,69%), lâm nghiệp và thuỷ sản đều có tăng trưởng tốt.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, trong đó ngành khai khoáng sụt giảm mạnh 11,4% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng 8,3%, tăng thấp nhất kể từ năm 2015. 

Theo thống kê, năm 2011 tăng trưởng công nghiệp đạt 9,16%, năm 2012 tăng 7,86%, năm 2013 tăng 4,76%, năm 2014 tăng 4,17%, năm 2015 tăng 9,27%, năm 2016 tăng 6,92%.

Ngành xây dựng tăng 6,1%, thấp hơn so với mức 8,6% của năm 2016.

“Công nghiệp tăng thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay, điều này kéo tụt tăng trưởng GDP, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đất nước ”, ông Lâm nói.

Một số mặt hàng chủ chốt cũng giảm mạnh là giày dép giảm 1,6%, khí hoá lỏng (LPG) giảm 3,9%, than đá giảm 5,6%, đường giảm 7,4%, điện thoại di động giảm 8,2%, khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,9%, dầu thô khai thác giảm 14,9%.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng như: bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, tài chính ngân hàng và bảo hiểm, kinh doanh bất động sản…

Ông Lâm nhận định, cơ cấu kinh tế quý 1/2017 khu vực nông - lâm - thuỷ sản chiếm tỷ trọng 11,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,06%; khu vực dịch vụ chiếm 43,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,76%.

Xét về góc độ sử dụng GDP quý 1, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,73% so với cùng kỳ 2016, tích luỹ tài sản tăng 8,5%, chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá ở tình trạng nhập siêu, làm giảm 4,42% điểm phần trăm của tăng trưởng chung.

Năm 2017, Quốc hội đặt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng GDP tăng trưởng 6,7%. Theo ông Lâm, đây là thách thức của nền kinh tế với kết quả quý 1, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD, tạo áp lực lên tỷ giá, nhập siêu, lạm phát.

"Dự báo kinh tế nước ta sẽ có nhiều thách thức hơn thuận lợi, khó có thể đạt được mục tiêu đã đề ra", ông Lâm nói.