10:41 14/01/2011

Thảo luận văn kiện Đại hội và tâm tư của một vị bộ trưởng

Minh Thúy

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc “phân tích một số vấn đề” mà theo ông là cần thảo luận để đi tới thống nhất

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc - Ảnh: LQP.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc - Ảnh: LQP.
Vì đã gửi văn bản trước, nên tại phiên thảo luận chiều 13/1 của Đại hội Đảng XI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc chỉ “phân tích một số vấn đề” mà theo ông là cần thảo luận để đi tới thống nhất.

Trong đó, có những vấn đề nằm ngoài câu chữ trong bản tham luận “Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020” đã được chuẩn bị trước.

Theo Bộ trưởng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm qua là “thắng lợi và thành công”. Các con số ấn tượng là GDP tăng trưởng 7,26%/ năm. GDP năm 2010 theo giá thực tế đã đạt trên 101,6 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 1.160 USD…

“Đó là thành tựu cả mà thế giới và cả chúng ta thừa nhận, bạn bè đánh giá cao chúng ta”, Bộ trưởng Phúc nói.

Mặc dù bản tham luận nêu 4 bài học chủ yếu rút ra để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, song ông Phúc chỉ dành thời gian phát biểu về hai bài học mà ông tâm đắc nhất, từ đó có thể rút ra thực tiễn áp dụng cho thời gian tới.

Bài học thứ nhất là phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề lớn, nhờ đó mà được thu hút tối đa nguồn lực của toàn xã hội, khơi dậy được sức mạnh của tất cả các thành phần kinh tế để phát triển.

“Tôi muốn nhấn mạnh là bài học đó áp dụng vào đâu cho tương lai của chúng ta, cho nên tôi xin góp ý đoạn nói về chủ nghĩa xã hội ở trong dự thảo Cương lĩnh”, ông nói.

Dự thảo Cương lĩnh có nêu, xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Theo ông Phúc, quan điểm tại Đại hội X trước đây là “dựa trên một quan hệ sản xuất tiên tiến phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất”.

“Tôi cho lấy được câu đó không dễ dàng, mà là tổng kết thực tiễn 20 năm đổi mới. 20 năm đổi mới chúng ta mới có được câu đó”, ông Phúc nhấn mạnh.

Và ông băn khoăn, “khi thảo luận ở tổ, có ý kiến khác nhau, có đồng chí phân tích dựa trên dự thảo và căn cứ lý luận chủ nghĩa Marx - Lenin. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình về lý luận nhưng Marx - Lenin dạy chúng ta rằng, lý luận phải được thực tiễn kiểm chứng. Lý luận đó được kiểm chứng chưa? Kiểm chứng từ đâu? Liên Xô và các nước Đông Âu áp dụng mô hình đó và đã thất bại. Còn chúng ta tổng kết được lý luận từ thực tiễn Việt Nam. Một bài học rất Việt Nam, một thực tiễn rất Việt Nam, một quá trình đi lên rất Việt Nam và chúng ta đã thành công. Vậy mà giờ chúng ta lại bỏ đi”.

Vị “tư lệnh” ngành kế hoạch và đầu tư tiếp tục phân tích, rằng quan hệ sản xuất tiên tiến Đảng ta vẫn đề cập là quan hệ đa sở hữu, có “công”, có “tư”. Vậy giờ ta bỏ đi thì “công - tư” thế nào, ai yên tâm đầu tư vào chúng ta? Khi nói về một nhà máy điện thì đây chính là tư liệu sản xuất chủ yếu. Nếu chúng ta công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu thì ai dám đầu tư xây dựng nhà máy điện? Ai dám đầu tư cơ sở hạ tầng khi chúng ta đang thiếu cơ sở hạ tầng?”.

“Tôi mong chúng ta cùng thảo luận thật ra nhẽ và biểu quyết để tạo sự đồng thuận trong Đảng”, ông Phúc đề nghị.

Liên quan đến vấn đề sở hữu, Bộ trưởng Phúc thẳng thắn: “Có người nói, gốc của chủ nghĩa xã hội là sở hữu, nhưng tôi cho rằng gốc của chủ nghĩa xã hội là vấn đề công bằng xã hội, điều tiết thu nhập chứ không phải là sở hữu. Nếu coi sở hữu là gốc thì chúng ta sẽ đi vào sai lầm của những năm trước đây, đi vào vết xe của Liên xô và các nước Đông Âu. Tôi muốn khi phân tích bài học thì phải áp dụng thực tiễn thế nào để từ đó ta có sự vận dụng”.

Chuyển sang bài học tâm đắc thứ hai, ông Phúc cũng nhấn mạnh sự cần thiết cùng nhau phân tích và cùng nhau thống nhất để hành động. Đó là bài học bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.

“Ở đây tôi cho yếu tố thành công nhất đó là sự lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố rất quan trọng”, ông Phúc khẳng định.

Đồng thời ông cũng nêu lại bài học từ kinh nghiệm của năm 2008. Khi đó khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam, lạm phát tăng cao, đời sống nhân dân khó khăn, và chúng ta đưa ra chính sách mới là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thời điểm đó, Bộ Chính trị nghe báo cáo, sau đó đưa ra Trung ương thảo luận và giao Chính phủ làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. “Từ đó, đã tạo được sự đồng thuận xã hội, thống nhất trong Đảng và chúng ta đã thành công lớn mà nước khác không dễ có được”, Bộ trưởng Phúc đúc kết.

Đặt vấn đề, từ đó liên hệ  thời gian tới nên như thế nào, theo ông Phúc, muốn thực hiện đầy đủ nghị quyết Đại hội thì “trong nội bộ Đảng chúng ta, từ cơ sở đến Trung ương, đặc biệt là từ Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban chấp hành Trung ương phải là một thể thống nhất, thống nhất trong tư tưởng, thống nhất trong chỉ đạo điều hành, trong hành động”.

“Bác Hồ đã dạy là phải giữ sự đoàn kết của Đảng như giữ con ngươi mình. Muốn có đoàn kết phải có đấu tranh phê bình, phải có dân chủ, nhưng là dân chủ tập trung chứ không phải dân chủ tự do, trong đó thiểu số phục tùng đa số, đó là bài học phải thấm nhuần cao”, ông Phúc nhấn mạnh.

Qua kiểm điểm của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, ông Phúc đặt câu hỏi, rằng “các đồng chí trong nội bộ thời gian qua đã thực sự thương yêu, đoàn kết chưa?”. Theo ông, cần đấu tranh nội bộ để đi đến thống nhất nhưng đấu tranh, phê bình cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: đấu tranh nhưng vẫn phải thương yêu, giúp đỡ đồng chí mình.

“Tôi nghĩ rằng mỗi đảng viên khi xác định đúng vị trí của mình và chịu sự phân công của đảng thì sẽ toàn tâm toàn ý với Đảng”, ông Phúc tiếp mạch tâm tư. Và ông mong “sau này Ban chấp hành Trung ương khóa XI sẽ thấm nhuần ba chữ: Đảng phân công”. “Bản thân tôi đến bây giờ thú thực có thành công nhất định ở cương vị của mình là cũng nhờ thấm nhuần ba chữ này, tôi mong rằng chúng ta thấm nhuần điều đó để mỗi đồng chí trúng cử khóa mới thực hiện tròn nhiệm vụ của người đảng viên”.

Nhận định thời điểm bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XI có nhiều khó khăn hơn Đại hội X, Bộ trưởng Phúc cho rằng, nếu sau Đại hội không thống nhất ý chí, tập trung chỉ đạo thì khó có thể thực hiện được thắng lợi nhiệm vụ đã đặt ra.

Kết thúc 20 phút phát biểu, Bộ trưởng Phúc nhấn mạnh: “Tôi mong đại hội sẽ đi sâu phân tích, đánh giá cụ thể và bầu Ban chấp hành Trung ương đoàn kết, thống nhất, để lãnh đạo Đảng ta ngày càng phát triển, giữ vững vị trí lãnh đạo với dân tộc Việt Nam chúng ta”.