10:51 09/05/2016

Thủ tướng khen Đồng Tháp, nhiều doanh nghiệp tò mò

Nguyễn Lê

Ấn tượng hình ảnh lãnh đạo tỉnh hàng tuần cà phê với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh "thương hiệu" Đồng Tháp trong cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Ảnh: Mỹ An.
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh "thương hiệu" Đồng Tháp trong cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Ảnh: Mỹ An.
Cách đây hơn một tuần, khi người đứng đầu Chính phủ khen lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, nhiều doanh nghiệp đã rất tò mò.

Thông tin này được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập tại hội thảo Chỉ số PCI 2015 – Đồng bằng Sông Cửu Long nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển doanh nghiệp.

Hội thảo được tổ chức tại Đồng Tháp – nơi có kết quả PCI hai năm gần đây nhất đều đứng thứ 2/63 tỉnh thành, ở nhóm xếp hạng: rất tốt.

Có được kết quả này, đầu tiên phải kể đến hành động của lãnh đạo địa phương.

Như ông Tuấn đã đề cập, sáng 29/4 vừa qua, tại hội nghị với hàng ngàn doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến việc Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp hàng tuần cà phê với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn như “một hình ảnh tuyệt vời” của lãnh đạo địa phương trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Chia sẻ từ một vị lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, không chỉ hàng tuần mà hàng ngày, doanh nghiệp đều có thể liên lạc với lãnh đạo tỉnh khi có việc cần tháo gỡ, trong nỗ lực chung xây dựng hình ảnh một chính quyền gần dân và doanh nghiệp.

Một tài liệu tại hội thảo cũng trích lời Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan: “Chúng tôi muốn khâu thẩm định dự án đầu tư được thực hiện khoa học và chuyên nghiệp hơn, thay vì câu chuyện những doanh nghiệp phải nằm chờ, nghẽn mạch hàng tháng trời ở sở này, ngành kia mà không rõ lý do là gì”.

Mở đầu hội nghị sáng 9/5, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khi xuất hiện trên bục phát biểu đã không nói nhiều đến những thành tích hay lợi thế của địa phương này mà nhấn mạnh, PCI tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả giữa các địa phương.

Chính vì thế, lãnh đạo các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng quan tâm đến chỉ số này.

Thông tin từ hội thảo cũng cho thấy sự nhất quán trong hành động của Đồng Tháp trong mục tiêu chuyển biến từ chính quyền quản lý sang chính quyền kiến tạo, phục vụ đem lại sự hài lòng cho nhân dân và doanh nghiệp. Bởi, chính sự thành công của các doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại địa phương trở thành lợi thế quan trọng trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư tiếp theo

Thông điệp được nhấn mạnh là “Đồng Tháp chủ động đến với doanh nghiệp chứ không thụ động chờ doanh nghiệp đến, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhận khó khăn về chính quyền.

Những thay đổi nhỏ nhưng theo Đồng Tháp là sẽ tạo ra kết quả lớn được Đồng Tháp chia sẻ giảm 30% số buổi họp để lãnh đạo ngành, địa phương có thời gian đi cơ sở, vận dụng linh hoạt những chính sách chưa rõ ràng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

Với góc nhìn từ Ban Pháp chế VCCI, Phó ban Phạm Ngọc Thạch khái quát, Đồng Tháp luôn nằm trong số các tỉnh có chỉ số PCI tốt nhất từ 2006 đến nay và hai năm  gần đây đều giữ vững vị trí thứ hai cả nước, dẫn đầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Và, những bước tiến vượt bậc trong cải cách hành chính, tạo môi trường minh bạch đều gắn với sự năng động và sáng tạo của chính quyền tỉnh.

Một con số liên quan đến tính minh bạch, nếu như năm 2014 có đến 74% doanh nghiệp được khảo sát cho biết cần có "mối quan hệ" mới tiếp cận được tài liệu của tỉnh thì năm 2015 đã giảm xuống 69%, trong bối cảnh chung là tỷ lệ này của cả nước lại tăng lên chứ không giảm xuống.

Doanh nghiệp đánh giá cao về tính năng động tiên phong của chính quyền, kết quả khảo sát cho thấy.

Tuy nhiên, doanh nghiệp ở địa phương này vẫn cho rằng thủ tục hành chính về đất đai cần được nhanh gọn hơn. 53% doanh nghiệp trong diện được khảo sát cho biết quy hoạch đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Giảm thiểu chi phí không chính thức cũng là vấn đề được doanh nghiệp Đồng Tháp quan tâm, dù quy mô các khoản chi trả này đã giảm đi.

Đồng Tháp cũng cần rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp khi còn doanh nghiệp phải chờ hơn ba tháng cho thủ tục này.

Đáng lưu ý, Phó trưởng ban Pháp chế của VCCI  Phạm Ngọc Thạch cho biết, trong bối cảnh chung của nhiều địa phương khác, không ít doanh nghiệp ở Đồng Tháp vẫn đang  rất khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng, 12% doanh nghiệp phải tiếp cận tín dụng đen với lãi  suất trung bình khoảng 41%/năm, cá biệt có trường hợp phải vay với lãi suất  hơn 100%.