10:37 23/01/2015

Thưởng Tết 30.000 đồng “rất đáng trăn trở”

Lý Hà

Những thông tin đáng chú ý từ Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình lương, thưởng Tết này

Hầu hết các doanh nghiệp khảo sát đều dự kiến có thưởng Tết Nguyên đán với mức thưởng bình quân là môt tháng lương - khoảng 5,03 triệu đồng/người, tăng 15% so với mức thưởng Tết Nguyên đán năm trước.
Hầu hết các doanh nghiệp khảo sát đều dự kiến có thưởng Tết Nguyên đán với mức thưởng bình quân là môt tháng lương - khoảng 5,03 triệu đồng/người, tăng 15% so với mức thưởng Tết Nguyên đán năm trước.
Năm qua, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng họ vẫn cố gắng để tăng lương tháng và thưởng cho người lao động khá hơn Tết năm 2014.

Tuy nhiên vẫn có trường hợp đặc biệt, chỉ thưởng Tết Ất Mùi 2015 vỏn vẹn 30.000 đồng.

"Một tỉnh báo cáo về có doanh nghiệp chỉ thưởng Tết được 30.000 đồng. Nếu vậy thì đây cũng là vấn đề rất đáng trăn trở", ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói.

Thưa ông, đến nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có các báo cáo về tình hình tiền lương, thưởng Tết năm 2015 chưa? Theo ông, nhìn chung bức tranh tiền thưởng Tết như thế nào?

Năm 2014, nhìn chung tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thì phần lớn các doanh nghiệp đã có phương án duy trì giữ được mức lương, thưởng Tết bằng hoặc cao hơn năm trước.

Nhận định ban đầu về tình hình thưởng Tết, theo các báo cáo chung của các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp thì họ có đều có thưởng Tết. Trong các khối doanh nghiệp,  khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mức thưởng Tết cao nhất, xếp thứ hai là khối doanh nghiệp nhà nước...

Cụ thể mức lương, thưởng Tết năm 2015 đối với từng vùng, từng khối doanh nghiệp ra sao, có thể cao hơn so với Tết năm 2014 không?


Mức lương, thưởng Tết bình quân chung năm nay không tăng cao như mọi năm.

Song, kết quả khảo sát tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - với 13.189 doanh nghiệp có trên 2,5 triệu lao động, cũng như điều tra chuyên đề về  tiền lương - với trên 2.000 doanh nghiệp ở 17 tỉnh, thành phố thuộc 3 vùng kinh tế trong điểm, do Bộ thực hiện cho thấy: tiền lương bình quân đạt 5,11 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 6% so với năm 2013.

Các năm trước thông thường tăng khoảng 13-15%. Nếu loại trừ yếu tố trượt giá là 4,08% thì tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động năm 2014 cải thiện không đáng kể.

Về tiền thưởng Tết - bao gồm cả thưởng Tết Dương lịch 2015 và Tết Nguyên đán Ất Mùi, vẫn giữ được mức tăng khá so với năm 2014.

Đáng chú ý là có trên 80% số doanh nghiệp ở địa phương được khảo sát đã thực hiện thưởng Tết Dương lịch cho người lao động với mức bình quân 1,55 triệu đồng/người - bằng 140,7% so với mức thưởng Tết Dương lịch năm 2014.

Hầu hết các doanh nghiệp khảo sát đều dự kiến có thưởng Tết Nguyên đán với mức thưởng bình quân là môt tháng lương - khoảng 5,03 triệu đồng/người, tăng 15% so với mức thưởng Tết Nguyên đán năm trước.

Trong bối cảnh sản xuất còn gặp khó khăn, điều này ghi nhận một cố gắng lớn không chỉ của chủ doanh nghiệp, mà còn có sự đóng góp chung của người lao động.

Thưa ông, đó là các thống kê về mức thưởng bình quân nói chung. Có ý kiến cho rằng, mức thưởng Tết thấp nhất là 30.000 đồng. Vậy cụ thể mức thấp nhất là bao nhiêu?


Đúng, mức thưởng Tết bình quân là một tháng lương, còn thấp nhất thì nhiều doanh nghiệp thưởng theo các mức khác nhau.

Một tỉnh báo cáo về có doanh nghiệp chỉ thưởng Tết được 30.000 đồng. Nếu vậy thì đây cũng là vấn đề rất đáng trăn trở. Ngoài ra, theo báo cáo hiện vẫn còn khoảng 20% doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết.

Đây là điều đáng quan tâm nhất và chúng tôi đã yêu cầu các địa phương đôn đốc các doanh nghiệp xem xét trích các khoản tiết kiệm, các khoản phúc lợi trong doanh nghiệp để có thể thưởng Tết cho người lao động vì thưởng Tết vẫn được coi là món quà truyền thống của chúng ta lâu nay.