12:36 12/09/2012

Tiếp tục tranh cãi về giảng viên luật hành nghề luật sư

Nguyên Vũ

Quy định cho hay không cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư tiếp tục gây tranh cãi

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng không nên cho phép giảng viên luật hành nghề luật sư.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng không nên cho phép giảng viên luật hành nghề luật sư.
Mặc dù đã được bàn đi bàn lại khá nhiều lần, song tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ sáng 12/9, quy định cho hay không cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư ở dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư vẫn tiếp tục gây tranh cãi.

Kiên trì quan điểm từ phiên họp trước, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vẫn cho rằng, không nên cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư. Vì sẽ làm phân tán nguồn lực và tạo ra khả năng làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng. Hơn nữa, hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng (tức là chủ yếu được tiến hành trong giờ hành chính), do đó nếu giảng viên được hành nghề luật sư sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề.

Nhất trí với quan điểm này, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung  Lý cũng còn chút băn khoăn khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vẫn đề nghị xem lại. Bởi theo Chính phủ trong hơn 1.500 viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hiện nay, nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu về pháp luật và tập quán quốc tế. Việc cho phép đội ngũ này làm luật sư sẽ bổ sung một số lượng đáng kể luật sư trong tình hình hiện nay.

Nói rõ quan điểm cá nhân ủng hộ việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng giải thích của Ủy ban Tư pháp chưa thuyết phục, thậm chí còn khiên cưỡng và có phần ngụy biện.

Bởi vì, tư duy của giáo dục hiện nay không khuyến khích giảng viên dạy nhiều mà cần dành thời gian tham gia thực hành nghiên cứu để nâng cao chất lượng, nên “nói phân tán nguồn lực là vô hình chung đi ngược lại quan điểm của giáo dục hiện nay”.

Ông Thi cũng cho rằng, việc giảng dạy không phụ thuộc giờ hành chính, nên nếu phân tích kỹ thì rất khó có thể chấp nhận được giải trình của Ủy ban Tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích, đã giảng dạy thì thôi không làm luật sư tham gia tố tụng để chuyên tâm, còn làm tư vấn thì có thể được. Còn Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thống nhất với phân tích của Chủ nhiệm Thi về quan ngại phân tán nguồn lực khi cho giảng viên hành nghề luật sư.

Người đứng đầu cơ quan thẩm tra dự án luật,  ông Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh, không cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư  không phải quan điểm riêng của ủy ban này mà được tập hợp từ nhiều ý kiến ở phiên họp trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2012.