08:57 14/11/2014

“Tôi vẫn đánh giá cao bộ trưởng dám hành động”

Nguyên Thảo

Một bộ trưởng vừa xây dựng thể chế tốt vừa điều hành hiệu quả thì tuyệt vời, nhưng nếu chỉ được một trong hai vế thì sao?

Phòng Diên Hồng, phòng họp chính của Quốc hội mới.
Phòng Diên Hồng, phòng họp chính của Quốc hội mới.
Sáng 14/11, cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai sẽ chính thức được khởi động tại nghị trường với báo cáo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trước khi các đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận.
 

Càng gần đến “giờ G” thì thông tin về các thành viên Chính phủ, đặc biệt là các vị bộ trưởng càng được quan tâm, không chỉ ở nghị trường.

Một số vị bộ trưởng gần như được nhắc đến ở hầu hết các cuộc trao đổi của đại biểu với báo chí về đánh giá tín nhiệm, với ưu điểm nổi bật là sâu sát thực tế, là quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.

Nhưng, với một số đại biểu khác, thì chỉ như vậy là chưa đủ.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, bà Trương Thị Huệ cho rằng mức độ tín nhiệm của bộ trưởng dựa trên kết quả của hai mảng công việc rất quan trọng. Một là nghiên cứu tham gia xây dựng thể chế, thể hiện ở chính sách của ngành đó và những tham mưu của vị bộ trưởng đó với Chính phủ để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Việc thứ hai là điều hành giải quyết những vấn đề đang bức xúc của ngành, của đời sống xã hội theo thẩm quyền.

Nguyên tắc thì là vậy, nhưng đại biểu Huệ cũng cho rằng quả là quá khó để có thể có thông tin đầy đủ ở cả hai mảng việc này, của từng người được lấy phiếu.

Phải thật sự quan tâm, theo dõi diến biến kinh tế xã hội ở từng lĩnh vực thì mới có thể đánh giá mức độ tín nhiệm được, bà Huệ chia sẻ.

Theo nhận xét của nhiều vị đại biểu, bao gồm cả ý kiến cử tri qua các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp thì sau cuộc lấy phiếu lần một, một số vị bộ trưởng đã có nhiều tiến bộ rõ rệt.

Song điều đó thể hiện rõ hơn ở mảng điều hành công việc cụ thể. Hiện nay xây dựng, ban hành thể chế là khâu đang yếu, và cái này mới là cái khó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhận xét.

Theo phân tích của đại biểu Thúy thì trong điều kiện các bộ trưởng vẫn phải làm trưởng ban soạn thảo nhiều dự án luật chứ việc làm luật chưa hoàn toàn do Quốc hội đảm nhiệm thì xây dựng và ban hành những văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền là việc rất quan trọng của các thành viên Chính phủ.

"Và một hành lang pháp lý tốt sẽ giúp cho việc điều hành vừa đỡ vất vả vừa hiệu quả. Song, có thể chế tốt rồi mà anh không dám làm, dám chịu trách nhiệm thì cũng không điều hành tốt được", đại biểu Thúy lật lại vấn đề.

Nhìn vào thực tế còn không ít các vướng mắc trong việc ban hành các văn bản liên ngành, đại biểu Thúy cho rằng cho dù thiếu quy định, nhưng khi thực tiễn đặt ra vấn đề cần giải quyết mà vị bộ trưởng, trưởng ngành  nào đó không chần chừ mà giải quyết luôn, thì vẫn rất đáng ghi nhận.

“Cuộc sống có những cái luôn đi trước pháp luật, pháp luật cần cập nhật và bổ sung cho phù hợp. Nên nếu có người nói chưa có quy định thì không làm thì cũng xong thôi, cho nên cần nhìn nhận khách quan những người dám làm và dám chịu trách nhiệm trong điều hành”, bà Thúy bày tỏ quan điểm.

Một bộ trưởng vừa xây dựng thể chế tốt vừa điều hành hiệu quả thì tuyệt vời, nhưng nếu chỉ được một trong hai vế, thì ai sẽ được tín nhiệm cao hơn?

"Chính phủ là cơ quan chấp hành thì các thành viên cần nhanh nhạy kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nếu vấn đề nào đó luật chưa quy định mà vẫn cần xử lý, thì tôi vẫn đánh giá cao bộ trưởng dám hành động. Còn nếu anh ban hành luật pháp tốt mà không dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì cái tốt cái hay chỉ tồn tại trên giấy tờ thôi", đại biểu Thúy trả lời.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nhìn nhận, tại thời điểm này thì các hành lang pháp lý  tương đối đầy đủ nhưng việc triển khai còn có vấn đề.

"Văn bản chưa đúng thì ít thôi nhưng hiểu sai, làm trái làm ngơ còn nhiều, nên tôi đánh giá cao hơn các bộ trưởng chỉ đạo sâu sát thực tế, nhất là chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của dân", bà Hải bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, vị Phó văn phòng Quốc hội cũng kỳ vọng về lâu dài, các vị bộ trưởng trong Chính phủ sẽ bớt được công việc sự vụ để dành thời gian cho việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực phụ trách.

“Cân đong” nặng nhẹ giữa xây dựng thể chế và chỉ đạo điều hành của bộ trưởng có thể còn nhiều góc nhìn khác. Nhưng, câu chuyện chưa xa về một vị bộ trưởng khi được giao làm trưởng ban soạn thảo một dự án luật trực tiếp đến nhiều nơi để tham vấn ý kiến - một việc tưởng như rất bình thường - đã nhận được nhiều lời khen tấm tắc, cho thấy mức độ xắn tay vào cuộc xây dựng thể chế của các vị “tư lệnh” ngành chưa phải là phổ biến.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), cũng đã từng than thở trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, sự chậm trễ trong tập hợp danh mục cấm đầu tư có nguyên nhân chính là do “chờ mãi không có bộ nào trả lời”.

Và như vậy, sự cọ xát, va chạm trong xây dựng thể chế, có thể đôi khi còn gian nan hơn cả những tình huống một số vị bộ trưởng đã gặp khi “vi hành”.