09:55 28/06/2016

Tp.HCM muốn được thưởng 10.000 tỷ cùng nhiều cơ chế đặc thù

Bảo Quyên

Bí thư Đinh La Thăng: “Đầu tàu này không thể chạy mãi bằng than đá, hay dầu diesel, mà phải chạy bằng năng lượng nguyên tử”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Tp.HCM ngày 27/6.<br>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Tp.HCM ngày 27/6.<br>
Được phép thực hiện nhiều cơ chế đặc thù trong thu chi, sử dụng ngân sách, phê duyệt quy hoạch, cùng với khoản “thưởng” lên tới 10.000 tỷ đồng, là những kiến nghị được Tp.HCM trực tiếp đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ.

Muốn nhất, phải có “đặc thù”

Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Tp.HCM về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ngày 27/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Tp.HCM là đầu tàu kinh tế không chỉ của vùng Đông Nam Bộ mà còn của cả nước, thành phố phải luôn đi đầu, đổi mới. Điều này ít nhiều được thể hiện trong kết quả kinh tế - xã hội của thành phố trong những năm qua cũng như 6 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, thành phố vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế cần khắc phục như tăng vẫn thấp so với mục tiêu đề ra, tuy đã có nhiều cải cách, cải thiện môi trường đầu tư nhưng vẫn chưa như mong đợi của người dân, doanh nghiệp; phát triển vẫn còn dựa nhiều vào các ngành giá trị gia tăng thấp, so với tiềm năng lợi thế thì giá trị gia tăng, năng suất lao động của thành phố còn thấp so với yêu cầu. 

Bên cạnh đó, thành phố chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu, triều cường, ô nhiễm môi trường, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông còn cao… Tình trạng cướp giật tài sản, băng nhóm xã hội đen còn gây lo lắng cho người dân, du khách. 

“Đây phải là thành phố đổi mới, sáng tạo, có sức lan tỏa, làm động lực cho sự phát triển bền vững, là đầu tàu của cả nước trong tiến trình hội nhập sâu rộng, hiệu quả vào kinh tế khu vực và thế giới. Thành phố phải có ước mơ xa hơn, cao hơn, quyết tâm chính trị rõ hơn thì bước đi, sự tiến công vào các lĩnh vực mới mạnh mẽ, toàn diện. Thành phố phải là hòn ngọc chiếu sáng biển Đông”, Thủ tướng nói.

Đề xuất hàng loạt chính sách

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong đã đề xuất trực tiếp với Thủ tướng hàng loạt những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm giúp thành phố đạt được những mục tiêu như Thủ tướng nêu trên.

Cụ thể, Tp.HCM kiến nghị một số cơ chế tài chính đặc thù cho thành phố như tỷ lệ điều tiết cho ngân sách, phân cấp nguồn thu cấp lại tỷ lệ cho thành phố từ thuế xuất nhập khẩu, thu tiền sử dụng đất…; cơ chế thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu cho Tp.HCM từ số tăng thu ngân sách Trung ương.

Chủ tịch UBND thành phố cũng xin thí điểm quy định một số khoản thu, chi phí và lệ phí phù hợp với điều kiện địa phương như phí xăng dầu, môi trường, sử dụng bất động sản và chuyển nhượng động sản…; thí điểm xử phạt vi phạm hành chính về xâm phạm trật tự an toàn văn minh đô thị phát sinh…; thí điểm thành lập một số cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc cho UBND thành phố thực hiện một số chức năng nhiệm vụ xuất phát từ đặc thù của đô thị đặc biệt và được phân cấp cho cấp dưới…

Về vấn đề đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn như các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai… Giao cho thành phố tổ chức thẩm định dự án, thiết kế cơ sở dự án nhóm A, thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng, kiểm tra và nghiệm thu các công trình cấp 1…

Về nhà đất đang thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn, UBND Tp.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp thành phố tăng cường hậu kiểm đối với 102 địa chỉ; xem xét thu hồi nhà đất đang sử dụng chưa đúng mục đích, công năng, bỏ trống, cho thuê mượn không đúng quy định…

Tp.HCM cũng xin được phân cấp ủy quyền cho các UBND quận huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định phương án tháo dỡ nhà chung cư hư hỏng nặng, nhà chung cư bị nguy hiểm, đảm bảo hoàn thành trước 31/12 theo đúng tiến độ; phân cấp phân quyền cho UBND thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù hoặc để cụ thể hóa các quy định của Trung ương sát với thực tế địa phương…

Đặc biệt, Chủ tịch UBND Tp.HCM đề nghị Trung ương thưởng 10.000 tỷ đồng vì đã thu ngân sách năm 2015 vượt chỉ tiêu dự toán (thu 255.00 tỷ đồng trong khi mức phân cấp là gần 200.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố kiến nghị giữ nguyên Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị Tây Bắc, Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới nam thành phố và Ban Quản lý đầu tư Xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm theo mô hình cơ quan hành chính đặc thù; thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm.

UBND cũng kiến nghị đặt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tại Tp.HCM để thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế, tác động lan tỏa tạo sức đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

“Đầu tàu này không thể chạy mãi bằng than đá”

Theo Bí thư Thành ủy Tp.HCM Đinh La Thăng, mặc dù được xem là đầu tàu kinh tế, song trong bối cảnh hiện tại, thành phố đã chậm lại so với cách đây 5 năm nên cần phải có cơ chế mới tạo nguồn năng lượng phát triển.

“Đầu tàu này không thể chạy mãi bằng than đá, hay dầu diesel, mà phải chạy bằng năng lượng nguyên tử. Tp.HCM là của cả nước, vì cả nước, nên giải quyết cơ chế cho thành phố cũng là cho cả nước”, ông Thăng nói.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng Tp.HCM nên hướng tới phát triển các khu đô thị mới. Với 60% doanh nghiệp là tư nhân thì bên cạnh khuyến khích khởi nghiệp thì thành phố phải quan tâm nuôi dưỡng doanh nghiệp, “không để tính trạng hôm nay có 1.000 doanh nghiệp đăng ký mới thì hôm sau lại có 1.000 doanh nghiệp giải thể”. 

Trong khi đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, nói rằng trong khuôn khổ thể chế, chính sách đã có thì thành phố phải gương mẫu, đi đầu triển khai quyết liệt, “đã đi đầu rồi thì đi nhanh hơn nữa”. 

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định và đồng ý với những kiến nghị, đề xuất của Tp.HCM thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng, với tinh thần mạnh dạn đổi mới, vận dụng sáng tạo các cơ chế mà Trung ương đã dành cho thành phố.