09:05 30/01/2017

Triệt để tiết kiệm, giữ vững kỷ cương tài chính

Lê Hường

2017 dự báo sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ tài chính - ngân sách

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Năm 2016, mặc dù nhiều nguồn thu ngân sách gặp khó khăn, ngành tài chính vẫn hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách với mức vượt trên 7% so với dự toán pháp lệnh. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Việt Nam nhân dịp Xuân mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kinh tế nước ta năm 2017 dự báo sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ tài chính - ngân sách.

Do đó, năm 2017 ngành tài chính sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên vào một số nội dung trọng điểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ điều hành ngân sách cả năm và tiếp tục đặt tiền đề vững chắc cho bước phát triển của những năm tiếp theo.

Thưa Bộ trưởng, năm 2016, được đánh giá có nhiều thách thức đối với công tác thu ngân sách nhà nước nhưng ngành tài chính vẫn hoàn thành và vượt dự toán được giao. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những nỗ lực để đạt được kết quả này?

Trước diễn biến giá dầu thô giảm mạnh và các yếu tố bất lợi do thiên tai, hạn hán, lũ lụt...  tiềm ẩn nguy cơ gây mất cân đối ngân sách nhà nước năm 2016, để đảm bảo hoàn thành, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước, bên cạnh việc tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, ngành tài chính đã nỗ lực triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp sau:

Một là, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể về cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo các Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP của Chính phủ.

Phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành, tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển, ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đây là giải pháp căn cơ, tạo nguồn thu vững chắc, lâu dài cho ngân sách nhà nước.

Chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế một cách toàn diện, hiện đại, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để giảm thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính về thuế. Đẩy mạnh hiện đại hoá công tác quản lý thuế, kê khai thuế, nộp thuế nhằm giảm bớt chi phí cho người nộp thuế và tập trung kịp thời nguồn thu vào ngân sách nhà nước.

Hai là, trong điều hành đã phối hợp, tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, hải quan trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, chống chuyển giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế; hoàn thành chỉ tiêu thu nợ và chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra, góp phần tăng thu cho ngân sách.

Ba là, thường xuyên cập nhật tiến độ thu, nắm chắc diễn biến về kinh tế, thị trường, giá cả, đặc biệt là giá dầu khí, xây dựng các kịch bản diễn biến giá dầu để tổ chức đánh giá tác động đến thu ngân sách nhà nước, đánh giá đúng tình hình và dự báo sát khả năng thu ngân sách nhà nước hàng tháng, quý và cả năm. Bộ Tài chính cũng tổ chức các cuộc đối thoại đối với các doanh nghiệp, qua đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp đồng thời phân tích, đánh giá, dự báo đối với các sắc thuế lớn, những địa bàn trọng điểm, phát hiện sớm những nguyên nhân tác động làm ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách Nhà nước để có biện pháp xử lý và kiến nghị các cấp có thẩm quyền phối hợp, xử lý, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Quản lý thu đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần, Nhà nước nắm cổ phần chi phối, đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn đầu tư, đảm bảo thu đủ tiền bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp theo nghị quyết Quốc hội.

Bốn là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài khóa các cấp, tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, đảm bảo bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định, nợ công trong giới hạn an toàn tài chính.  

Thưa Bộ trưởng, bội chi ngân sách và nợ công vẫn được xem là hai điểm đáng quan ngại và khó khăn nhất trong điều hành ngân sách. Năm 2017, Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp nào để giảm bội chi và kiểm soát nợ công hiệu quả?

Trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi một số năm gần đây, tăng trưởng thấp hơn dự kiến, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước; tích lũy của nền kinh tế còn nhỏ, khả năng huy động đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước còn hạn chế nên những năm qua, Chính phủ chủ động điều hành bội chi ngân sách nhà nước theo hướng linh hoạt và trình Quốc hội chấp thuận bội chi cao ở một số thời điểm để có thêm nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.

Rút kinh nghiệm từ hạn chế nêu trên, trong định hướng kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, cũng như dự toán ngân sách năm 2017, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đã được Bộ Tài chính tham mưu, trình Chính phủ trình Quốc hội là giữ vững kỷ luật, kỷ cương tài chính, mức bội chi ngân sách nhà nước phải gắn với mục tiêu nợ công hàng năm không vượt giới hạn cho phép và phù hợp với khả năng huy động; triệt để tiết kiệm chi, việc ban hành các chính sách phải căn cứ khả năng nguồn lực, kế hoạch đầu tư công trung hạn phải nằm trong kế hoạch tài chính 5 năm.
 
Trong tổ chức thực hiện, sẽ tập trung thực hiện các giải pháp quản lý thu để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ở mức cao nhất; cắt giảm đối với các nhiệm vụ chi đầu tư và chi thường xuyên đã được duyệt từ đầu năm nhưng đến hết năm ngân sách vẫn chưa giải ngân hết, trừ các khoản mới bổ sung trong năm và các trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền quyết định; quản lý, sử dụng dự phòng chi ngân sách nhà nước tập trung cho các mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và một số nhiệm vụ quan trọng cấp bách về quốc phòng, an ninh, biển đảo... quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, kiên quyết không thực hiện việc chuyển nguồn sang năm sau đối với các nhiệm vụ do chủ quan các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chậm, từ đó giảm chi để giảm bội chi và nợ công...

Năm 2017 kinh tế trong nước dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng có thể cho biết định hướng ưu tiên của ngành tài chính trong năm mới?

Kinh tế nước ta năm 2017 dự báo sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017 và một số năm tiếp theo. Cụ thể, biến đổi khí hậu đã và đang “đe dọa” đến sản xuất và đời sống của người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp; những hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước chưa được giải quyết như sức cạnh tranh thấp, năng lực quản trị yếu, khoa học - công nghệ còn lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực thấp, hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực còn hạn chế...

Bên cạnh đó, những xung đột địa chính trị và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, xu hướng “đảo ngược” của toàn cầu hóa... sẽ là những thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước nói riêng. Do vậy, năm 2017 ngành tài chính sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên vào một số nội dung trọng điểm:

Một là, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế và cơ chế tài chính, đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý nợ công theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn lực ngân sách nhà nước.

Hai là, tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, đặc biệt là các luật có hiệu lực từ 1/1/2017 như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí... Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách; hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới khi chưa có nguồn đảm bảo; thực hiện chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán được giao; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công và bội chi ngân sách. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công; phát triển mạnh các loại hình thị trường tài chính và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

Ba là, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cùng cạnh tranh bình đẳng và phát triển. Theo đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính và thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Trong đó, tập trung vào việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chế độ kế toán, kiểm toán, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính. Đặc biệt, là các chính sách đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho phát triển công nghiệp hỗ trợ và cho nông nghiệp, nông thôn.

Bốn là, tiếp tục thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh thực hiện lộ trình giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu; sớm thực hiện đầy đủ cơ chế giá thị trường đối với dịch vụ công, điện, đất đai và tài nguyên quan trọng; đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với các đối tượng chính sách (người nghèo, người dân tộc thiểu số...).

Năm là, phối hợp hiệu quả các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng GDP tối thiểu đạt kế hoạch đề ra; thúc đẩy và tăng cường tính minh bạch đối với các thông tin liên quan đến tài chính - ngân sách nhà nước theo quy định.