10:16 06/01/2017

''Tư nhân hóa dịch vụ công: Nên đẩy mạnh chứ chưa nên sợ''

Nguyên Vũ

"Chúng ta phải thay đổi, tôi rất cổ súy cho thị trường hoá và tư nhân hoá", TS.Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh

Lần đầu tiên, đồng chủ trì hội thảo với Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung là một chủ doanh nghiệp tư nhân.
Lần đầu tiên, đồng chủ trì hội thảo với Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung là một chủ doanh nghiệp tư nhân.
"Chúng ta phải thay đổi, tôi rất cổ súy cho thị trường hoá và tư nhân hoá", Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nói tại hội thảo cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở Việt Nam, sáng 5/1.

Ông Cung nói vui đây là hội thảo "khai trương" năm 2017 của CIEM và điều rất mới người đồng chủ toạ với ông không phải là một "ông Tây" như nhiều lần khác mà là Giám đốc công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền - doanh nhân Lê Thanh.

Một vài vị đại biểu khi tham gia thảo luận cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy đại diện doanh nghiệp, hơn nữa lại là doanh nghiệp tư nhân cùng chủ trì hội thảo với Viện trưởng CIEM.

Không chỉ cùng TS. Nguyễn Đình Cung duy trì không khí hội thảo sôi nối đến phút cuối mà ông chủ của Phú Điền còn chia sẻ nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến cả thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp tư nhân khi tham gia cung ứng dịch vụ công.

Theo thông tin từ hội thảo, Phú Điền hiện là đơn vị quản lý vận hành nhiều nhà máy và hệ thống xử lý nước thải nhất trên toàn quốc.

"Thành tựu lớn nhất tính đến thời điểm này, chính là việc Phú Điền đã xóa bỏ được “định kiến” trong lĩnh vực xử lý nước thải đó là chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp được hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực cấp thoát nước", giám đốc Lê Thanh nhận định.

Đi sâu vào nghị định 130/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng dịch vụ công ích ông Thanh cho rằng văn bản này đã tạo sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khi tham gia lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc triển khai nghị định còn gặp nhiều lúng túng. Các điều khoản trong nội dung nghị định còn khá chung chung, nghị định đã giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ quản lý ngành và UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể. Song, chỉ có một vài cơ quan ban hành hướng dẫn nhưng vẫn sơ sài và chủ yếu lặp lại nội dung của nghị định. 

Ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban chính sách dịch vụ công của CIEM cho biết, trước đây, chủ yếu các doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm việc cung ứng các dịch vụ công ích tại các đô thị. 

Việc tiếp cận và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích của các hợp tác xã và doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có khó khăn do qui định hiện hành, ông Hải nhận xét
Ông Hải cũng cho biết thêm là nghị định 130/2013 đang được sửa đổi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính minh bạch, cạnh tranh của việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Từ trải nghiệm Phú Điền với nghị định 130, ông Thanh cho rằng quan điểm chủ đạo xuyên suốt khi sửa đổi hoặc thay thế nghị định này cần dựa trên nền tảng của sự minh bạch, công khai, rộng rãi là những tiêu chí của phương thức đấu thầu rộng rãi. Chỉ nên quy định cụ thể những trường hợp nào được áp dụng phương thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch, tất cả các trường hợp còn lại đương nhiên phải thực hiện đấu thầu.

Những ý kiến khác từ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay cơ quan quản lý Nhà nước cũng chỉ ra rằng dịch vụ công ích đang là khu vực có tiến độ cải cách khá ì ạch, mang nặng tính kế hoạch hoá.Và cho dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân tham gia vào lĩnh  vực này cũng đều đang phải chịu "thiệt thòi".
Có hợp đồng đã thanh lý mà chưa nhận được đồng nào, ông Thanh cho biết cụ thể.

Từ góc nhìn khác, một vị đến từ Viện Kinh tế xây dựng cho rằng cũng cần phải tính đến những bất cập khi tư nhân hoá toàn bộ dịch vụ công.

Khi học ở Canada thì  bài học tôi rút ra là phải lựa chọn dịch vụ để tư nhân hoá, nhiều nước đã thất bại khi tư nhân hoá 100%. Chẳng hạn khi mà tư nhân hoá 100% thì doanh nghiệp thu gom rác gây sức ép với chính quyền để tăng giá. Vì thế chính quyền phải giữ lại doanh nghiệp mà mình quản lý được, nếu không thì ông thị trưởng mất chức.

Ông này mất chức thì sẽ có ông thị trưởng khác, Viện trưởng Cung bình luận và nhấn mạnh rằng ông rất cổ suý cho thị trường hoá và tư nhân hoá.

Chúng ta ít thị trường hoá, ít tư nhân hoá nên phải đẩy mạnh hơn cho cân bằng chứ chưa nên sợ, doanh nghiệp tư nhân không lớn được vì chúng ta không cho nó lớn, cần thay đổi thể chế để thị trường nhiều hơn trong lĩnh vực dịch vụ công này, ông Cung phát biểu.