12:25 25/02/2015

“Tự vận động bầu cử, khó đảm bảo công bằng”

Nguyễn Lê

Vận động bầu cử là vấn đề còn ý kiến khác nhau, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh

<span class="fig">Phiên họp thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.</span>
<span class="fig">Phiên họp thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.</span>
Vận động bầu cử là vấn đề còn ý kiến khác nhau, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân, sáng 25/2.

Đây là dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ 8, song vẫn còn không ít vấn đề chưa ngã ngũ, trong đó có quy định về tuyên truyền, vận động bầu cử.

Dự thảo luật trình Quốc hội chỉ giới hạn hai hình thức vận động bầu cử là: gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức, và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung một số hình thức tuyên truyền, vận động bầu cử như vận động theo giới, người ứng cử tự vận động…

Đổi mới quy trình hiệp thương, mở rộng các hình thức vận động bầu cử như cho phép người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử cũng từng là đề nghị của Chính phủ khi tham gia ý kiến với dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định như dự thảo luật là để bảo đảm sự công bằng và bình đẳng giữa những người ứng cử, bảo đảm tính công khai, minh bạch cho cuộc bầu cử.

“Đây là những hình thức vận động bầu cử cơ bản, qua áp dụng trên thực tế đã cho thấy sự hợp lý và hiệu quả. Việc bổ sung thêm các hình thức vận động bầu cử khác là không thật sự cần thiết, khó bảo đảm sự công bằng giữa các người ứng cử”, Chủ nhiệm Phan Trung Lý giải thích.

“Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như trong dự thảo không mở rộng quyền vận động bầu cử của người ứng cử ngoài hai hình thức vận động bầu cử đã được quy định trong dự thảo”, báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật nêu rõ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ nguyên hai hình thức vận động bầu cử như dự thảo luật để đảm bảo sự công khai, minh bạc và không có hình thức nào khác, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gói lại sau phần thảo luận.

Trước đó, đổi mới quy trình hiệp thương, mở rộng các hình thức vận động bầu cử là đề nghị của Chính phủ khi tham gia ý kiến với dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân, vào tháng 10/2014.

“Chính phủ đề nghị dự luật bổ sung quy định theo hướng mở rộng các hình thức bầu cử, như cho phép người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử”, văn bản góp ý đề ngày 8/10/2014 của Chính phủ nêu rõ.

Khó cấm bầu thay, bầu hộ

Bên cạnh vận động bầu cử, một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau được thảo luận tại phiên họp liên quan đến cơ cấu, thành phần, hội đồng bầu cử quốc gia, nguyên tắc và trình tự bầu cử…

Qua thảo luận, nhiều ý kiến nghị quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ ngay trong luật chứ không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay, Chủ nhiệm Phan Trung Lý báo cáo.

Tuy nhiên, đa số ý kiến thảo luận cho rằng khó có thể quy định cứng nội dung này tại luật mà sẽ hướng dẫn trong quá trình tổ chức bầu cử.

Riêng với số lượng đại biểu và tỷ lệ đại biểu chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần phải quy định rõ. Ví dụ quy định đại biểu Quốc hội không quá 500 người nhưng nếu hụt ít thì có thể chấp nhận được, còn hụt đến 100 người thì nhất định phải bầu bổ sung.

"Tương tự như vậy, quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 35% thì nếu bầu thiếu bao nhiêu sẽ phải bầu lại?", Chủ tịch nêu vấn đề.

Liên quan đến trình tự, nguyên tắc bầu cử, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề có nên cấm đi bỏ phiếu thay hay cấm thúc ép người dân đi bỏ phiếu sớm?

"Về nguyên tắc có vẻ đúng nhưng mà khó cấm lắm, biết chỗ nào bà bỏ hộ cho ông mà loại, đã cấm phải có chế tài", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng bình luận.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý nói thêm, dự thảo luật quy định không được bầu hộ bầu thay chứ không dùng từ cấm.

Luật chỉ có một điều cấm duy nhất quy định những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử, ông Lý giải thích.

Tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2015, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân,