18:05 14/01/2011

“Vấn đề chưa rõ thì chưa nên đưa vào văn kiện”

Minh Thúy

Vấn đề công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu tại dự thảo Cương lĩnh được thảo luận sôi nổi tại diễn đàn của Đại hội Đảng XI

Ngày mai (15/1), Đại hội XI sẽ tiến hành thảo luận về công tác nhân sự.
Ngày mai (15/1), Đại hội XI sẽ tiến hành thảo luận về công tác nhân sự.
Kết thúc một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường về dự thảo các văn kiện, vấn đề công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu tại dự thảo Cương lĩnh đã trở lại diễn đàn của Đại hội Đảng XI, với ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch.

Đây cũng là nội dung được tranh luận sôi nổi tại Đại hội, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc “mở màn” bằng quan điểm khác với Cương lĩnh và nhiều ý kiến khác.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội phải gắn liền với chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, đó là nguyên lý của chủ nghĩa Marx, không có gì phải bàn. Nhưng còn thực tế, nếu công hữu tư liệu sản xuất thì sẽ không có cơ sở cho nền kinh tế sản xuất hàng hóa, vì nền kinh tế sản xuất hàng hóa bắt đầu từ sự khác nhau về chiếm hữu tư liệu sản xuất.

“Bây giờ, về lý luận chúng ta cũng chưa làm rõ mô hình xã hội chủ nghĩa trong tương lai, khi đó có còn sản xuất hàng hóa hay không? Vì khi đó, nếu công hữu về tư liệu sản xuất, thì sẽ không còn nền kinh tế sản xuất hàng hóa”, ông Lịch băn khoăn.

Vấn đề tiếp theo đại biểu Lịch đặt vấn đề là, thế nào là tư liệu sản xuất chủ yếu? “Trong thời đại kinh tế tri thức, những sản phẩm của tri thức, trí tuệ của con người, giải pháp công nghệ có phải là tư liệu sản xuất chủ yếu hay không? Chúng ta chưa có điều kiện làm rõ”.

“Những vấn đề gì mà chúng ta chưa làm rõ thì chưa nên đưa vào văn kiện lớn của Đảng”, ông Lịch đề nghị.

Nhấn mạnh “vấn đề lớn nhất hiện nay của chúng ta là Đảng ta đưa cả dân tộc phát triển lên thành một nước giàu mạnh”, đại biểu Lịch tiếp tục đưa ra đề nghị nên tránh tư duy ngắn hạn.

“Cái gì đưa vào văn kiện mà ảnh hưởng đến mục tiêu huy động nguồn lực, phát triển kinh tế, đầu tư chiều sâu, tái cấu trúc, đưa nền kinh tế từ gia công sang sản xuất, xây dựng thương hiệu, để Việt Nam mạnh hơn trên thế giới thì tôi đề nghị chưa đưa vào. Làm được như vậy thì nhân dân, doanh nghiệp sẽ hưởng ứng và sau Đại hội này, khí thế trong nhân dân sẽ rất mạnh”, ông Lịch nói.

Vẫn liên quan đến vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau nói trên, bên hành lang Đại hội, ngay sau ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đến hết ngày thảo luận hôm nay, một số vị đại biểu cũng trao đổi khá cởi mở với báo chí.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Bắc Son và một số vị đại biểu khác hoàn toàn đồng tình với Cương lĩnh cũng như phân tích của đại biểu Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Rằng, nói đặc trưng này thì mới nói được đặc trưng cơ bản của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa là gì, để phân biệt với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, và hoàn toàn không nên lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến thể hiện sự băn khoăn. Đại biểu Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, “mình còn nghèo, một trong những tiêu chí là nền sản xuất hiện đại, quan hệ sản xuất phù hợp”, ông Tới nói.

Cũng như một số vị đại biểu khác, đại biểu Tới cũng băn khoăn khi Cương lĩnh nói “chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu”, vậy “chủ yếu” ở đây là gì, thì cần phải được làm rõ.

Về quan ngại ảnh hưởng đến thu hút các nguồn đầu tư, vị đại biểu này cho rằng nhà đầu tư quan tâm lợi ích trước mắt và lâu dài sẽ được đảm bảo tới đâu. Vì vậy Nhà nước cần xây dựng hệ thống lý luận phù hợp.

Không nhiều tranh luận trực tiếp, song qua một ngày rưỡi thảo luận về dự thảo văn kiện, nhiều nội dung quan trọng trên nhiều lĩnh vực đã được đề cập, phân tích tại Đại hội XI. Trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến Chiến lược phát triển kinh tế trong những năm tới, với những kiến nghị, đề xuất mạnh mẽ về giải pháp để đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Kết thúc phiên thảo luận chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đã có 27 ý kiến tham luận, thảo luận về dự thảo văn kiện tại Đại hội XI. Vì thời gian không còn, Thủ tướng đề nghị các vị đại biểu đã đăng ký phát biểu gửi lại ý kiến để chỉ đạo tiếp thu.

Ngày mai (15/1), Đại hội XI sẽ tiến hành thảo luận về công tác nhân sự.