16:37 21/05/2016

Việt - Mỹ trông đợi gì từ chuyến thăm của ông Obama?

Hà Nguyên

Phân tích của GS. Carl Thayer - một chuyên gia kỳ cựu về chính trị Việt Nam, hiện làm việc tại Học viện Quốc phòng Australia

GS. Carl Thayer hiện làm việc tại Học viện Quốc phòng Australia, thuộc Đại học New South Wales.
GS. Carl Thayer hiện làm việc tại Học viện Quốc phòng Australia, thuộc Đại học New South Wales.
GS. Carl Thayer - một chuyên gia kỳ cựu về chính trị Việt Nam, hiện làm việc tại Học viện Quốc phòng Australia, thuộc Đại học New South Wales - đã có những chia sẻ với VnEconomy về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo ông, người Mỹ mong đợi gì ở Việt Nam thông qua chuyến thăm này?

Tổng thống Obama hy vọng sẽ đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển quan hệ với Việt Nam trong những năm sau khi ông rời nhiệm kỳ, thông qua việc khuyến khích, thúc đẩy các sáng kiến triển khai hiệp định đối tác toàn diện, được ký năm 2013.

Cụ thể, ông Obama mong muốn thúc đẩy triển khai chính sách tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương đạt được thành công, đặc biệt với Việt Nam.

Tổng thống cũng muốn nhân cơ hội còn vài tháng nữa tại nhiệm để “thu dọn” hết các di sản quá khứ tồn đọng với Việt Nam, như đã từng làm với Cuba và Iran. Chắc chắn quan hệ song phương Việt-Mỹ sẽ tiến xa hơn nữa.

Vậy phía Việt Nam trông đợi gì từ chuyến thăm này, từ góc nhìn của ông?

Việt Nam cũng mong muốn nhìn thấy các đề xuất cụ thể nhằm hiện thực hóa thêm hiệp định đối tác toàn diện, nhất là sự hỗ trợ của Mỹ trong việc tẩy rửa chất dioxin, rà phá bom mìn còn sót lại từ thời chiến tranh và dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Việt Nam cũng mong muốn Mỹ tái khẳng định chắc chắn sự tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, cũng như việc hai bên có thể tiến gần hơn về mặt quan điểm trên lĩnh vực nhân quyền.

Quan trọng nhất, Việt Nam muốn Mỹ tái bảo đảm và hỗ trợ Việt Nam triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Đâu là những điểm mà ông tin là Việt Nam và Mỹ sẽ đạt được đồng thuận với nhau qua chuyến thăm này?

Hiệp định đối tác toàn diện có 9 điểm hợp tác, bao gồm hợp tác ngoại giao-chính trị; thương mại-kinh tế; khoa học-công nghệ; giáo dục-đào tạo; môi trường-y tế; các vấn đề di sản chiến tranh; an ninh-quốc phòng; bảo vệ và khuyến khích nhân quyền; và văn hóa, thể thao và du lịch.

Cả hai bên sẽ đồng thuận hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, cũng như trao đổi giáo dục nhiều hơn.

Vấn đề cấm vận vũ khí sát thương và nhân quyền lại bị ràng buộc bởi quan điểm của người Mỹ. Tuy nhiên, hai bên sẽ nỗ lực thu hẹp khoảng cách quan điểm về nhân quyền để Tổng thống Obama có thể dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm.

Theo ông, các thành viên ASEAN sẽ có mối quan tâm như thế nào tới chuyến thăm này của Tổng thống Obama?

Mỗi thành viên ASEAN đều có quan điểm, cách nhìn riêng. Các nước ASEAN sẽ trông đợi một sự hỗ trợ/ủng hộ đối với cam kết chung của khối là giải quyết vấn đề biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982.

Nhưng một số vấn đề liên quan tới tranh chấp trên biển Đông lại đang gây khúc mắc.

Thứ nhất, tất cả các bên đều đồng ý rằng tranh chấp chủ quyền chỉ có thể được giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan.

Thứ hai, ASEAN và các thành viên của mình cam kết hoàn tất đối thoại với Trung Quốc về DOC, sau đó là COC.

Thứ ba, vai trò của các cường quốc bên ngoài khu vực cũng chưa rõ ràng. Việt Nam thì cho rằng một số cường quốc bên ngoài khu vực có lợi ích trong việc duy trì ổn định và an ninh trên biển Đông, bao gồm cả tự do hàng hải. Trung Quốc thì phản đối việc các cường quốc bên ngoài can dự vào, bởi theo nước này thì điều đó sẽ làm gia tăng căng thẳng, gây mâu thuẫn.

Thứ tư, Mỹ không mong muốn tìm kiếm một vai trò trực tiếp giải quyết bất đồng/mâu thuẫn trên biển Đông, mà Mỹ tìm kiếm đồng thuận rằng “không phải cứ to xác là đúng”, và rằng đe dọa dùng vũ lực là không giải quyết được vấn đề. Mỹ cũng muốn bảo vệ tự do hàng hải, hàng không và thượng tôn pháp luật.

Ông có nghĩ rằng các cam kết giữa Mỹ và Việt Nam tại chuyến thăm này sẽ được bảo đảm thực thi sau thời điểm tháng 1/2017, khi nước Mỹ có chính quyền mới không?

Tổng thống Obama sẽ để lại một di sản tích cực nhằm tiếp tục định hình mối quan hệ Việt - Mỹ. Tân Tổng thống Mỹ - dù là bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump - sẽ không thể đảo ngược chính sách này ngay khi họ nhậm chức.

Cho dù, bất kỳ chính quyền mới nào cũng cần ít nhất 100 ngày để rà soát lại toàn bộ các chính sách và điều chỉnh nó phù hợp với những ưu tiên của họ.

Tân Tổng thống Mỹ sẽ luôn phải tìm kiếm sự ủng hộ của Hạ viện, Thượng viện, và điều này sẽ hạn chế chính tân Tổng thống.

Việt Nam hiện đóng một vai trò xây dựng và tích cực trong khối ASEAN, trên bình diện khu vực và quốc tế. Và đang có một sự tương đồng lớn về tầm nhìn chiến lược này.