00:08 25/08/2017

Việt Nam - Myanmar thống nhất thiết lập đối tác toàn diện

Song Hà

Nhiều thỏa thuận về chính trị, kinh tế, xã hội đã được lãnh đạo Việt Nam và Myanmar thông qua nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự - Ảnh: TTXVN.<br>
Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự - Ảnh: TTXVN.<br>
Chiều 24/8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới Thủ đô Naypyidaw bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Myanmar từ 24 - 26/8.

Ngay sau lễ đón chính thức tại phủ Tổng thống và sau cuộc gặp riêng thân mật, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Myanmar Htin Kyaw.

Tăng cường quan hệ chính trị

Tổng thống Htin Kyaw nhấn mạnh chuyến thăm Myanmar lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là dấu mốc lịch sử quan trọng và sẽ mở ra chương mới trong quan hệ hai nước.

Trong khi đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chuyến thăm lần này là dịp để hai bên trao đổi, thống nhất các định hướng chiến lược, tạo dấu mốc mới, tầm cao mới và động lực mới cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.

Đặc biệt, trên cơ sở mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp giữa hai nước, cũng như những bước phát triển mới ở khu vực và thế giới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Htin Kyaw đã nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường quan hệ chính trị ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao nhất, tiếp tục củng cố hơn nữa quan hệ giữa hai nước trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các ngành và các địa phương; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, trong đó có mở rộng giao lưu giữa thế hệ lãnh đạo trẻ và giữa thanh, thiếu niên hai nước.

Về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai bên nhất trí sớm thiết lập Cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Phó Tổng Tham mưu trưởng và cơ chế Nhóm làm việc chung cấp cục trưởng đối ngoại; tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp quốc phòng, hợp tác đào tạo, quân y; tăng cường trao đổi thông tin, tham vấn, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN mở rộng (ADMM+), khẳng định cam kết không cho phép bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này để chống phá nước kia.

Xem xét lập hãng hàng không chung

Về hợp tác kinh tế, hai bên cho rằng cần phát huy mạnh mẽ đà phát triển hiện nay; tích cực hỗ trợ nhau tổ chức rộng rãi các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư nhằm tăng giá trị thương mại, chú trọng hợp tác trên các lĩnh vực mang tính cầu nối, mở đường như ngân hàng, tài chính, hàng không, viễn thông, các lĩnh vực thế mạnh có yếu tố bổ sung cho nhau như: Khoáng sản, nông, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, hàng tiêu dùng. Tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý kinh tế, đổi mới thể chế và cải cách cơ cấu ở cả ba cấp độ: Chính quyền, học giả và doanh nghiệp.

Về tăng cường kết nối giao thông vận tải và du lịch, hai bên nhất trí tăng cường kết nối cả về hàng không, đường bộ và đường thủy như: Hợp tác xây dựng cảng biển, vận tải biển, đóng tàu, hợp tác vận tải hàng không, trong đó xem xét khả năng liên doanh lập hãng hàng không hai nước và phát triển các tuyến đường bộ kết nối giữa hai nước và trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) và hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), vận tải hành khách và hàng hóa trên các tuyến hành lang kinh tế nối liền hai nước để thúc đẩy quá trình giao lưu thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Myanmar nói riêng và trong khu vực nói chung.

Tổng thống Htin Kyaw hoan nghênh và đánh giá cao các nhà đầu tư Việt Nam tăng cường đầu tư vào Myanmar trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, đồng thời đánh giá cao việc Việt Nam dành 500 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Tổng thống Htin Kyaw khẳng định Myanmar hoàn toàn ủng hộ Việt Nam ứng cử ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Về vấn đề biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng các tranh chấp trên biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực.

Cũng trong chiều 24/8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Htin Kyaw đã chứng kiến lễ ký kết 4 văn bản hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar.

Bao gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Myanmar; Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2017-2020 giữa Bộ VHTT&DL Việt Nam với Bộ Các vấn đề tôn giáo và văn hóa Myanmar; Hiệp định hợp tác và hỗ trợ nhau trong vấn đề hải quan giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Kế hoạch-Tài chính Myanmar; Thỏa thuận về hợp tác giáo dục và công nhận bằng cấp giữa hai nước Việt Nam-Myanmar.