10:33 24/01/2016

Xác nhận ứng viên cho 4 chức danh chủ chốt

Nguyễn Lê

"Hội nghị Trung ương 14 đã chuẩn bị theo hướng đó và tôi xác nhận là có"

Đại biểu biểu quyết tại Đại hội Đảng lần thứ12.
Đại biểu biểu quyết tại Đại hội Đảng lần thứ12.
Trả lời báo chí bên lề Đại hội Đảng lần thứ 12, sáng 24/1, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Vũ Trọng Kim đã xác nhận danh tính các vị được Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 chuẩn bị cho 4 chức danh chủ chốt trong nhiệm kỳ mới.

Phóng viên hỏi, bên cạnh ứng viên cho Tổng bí thư là ông Nguyễn Phú Trọng, trên mạng người ta đã đưa ba ứng viên cho ba chức danh còn lại gồm: Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang (Bộ trưởng Bộ Công an), Thủ tướng là ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó thủ tướng Chính phủ) và Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Phó chủ tịch Quốc hội)? Ông nói gì về thông tin này?

"Hội nghị Trung ương 14 đã chuẩn bị theo hướng đó và tôi xác nhận là có", ông Kim nói. Ông cũng xác nhận tỷ lệ phiếu giới thiệu tại hội nghị Trung ương 14 đối với vị trí Tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng là rất cao.

Thưa ông, Ban Chấp hành Trung ương khoá 11 đã lựa chọn 5 người và 4 người xin rút, để còn lại một mình đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư, nhưng khi ra Đại hội, nếu có một vị không phải ủy viên Trung ương tiếp tục giới thiệu 4 người kia, và nếu Đại hội không cho rút thì 4 người kia vẫn có quyền được ứng cử. Ông có thể nói rõ hơn về tình huống này không?

Về vấn đề nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương thì đã chuẩn bị kỹ trong ba lần hội nghị Trung ương 12, 13 và 14 vừa rồi. Đặc biệt là tại hội nghị Trung ương 14 vừa rồi, thì vấn đề chuẩn bị cho 4 vị trí chủ chốt trong Bộ Chính trị đã được thảo luận rất kỹ, và đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị giới thiệu là 100%. Còn một số vị khác được giới thiệu thì tự rút để dồn sự tín nhiệm đó cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Còn ra Trung ương thì giới thiệu một số đồng chí, tức là ngoài vị trí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có 4 đồng chí nữa. Phải ba lần bỏ phiếu. Nghĩa là dân chủ quá rồi.

Lần thứ nhất là chọn phương án nào? Phương án một thì có giữ lại một vị trí là Tổng bí thư, phương án 2 là giữ lại hai vị trí là Tổng bí thư và Chủ tịch nước; phương án 3 là cả 3 vị trí ở lại gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng. Đưa ra 3 phương án và Trung ương đã biểu quyết là chọn phương án 1. Đó là một lần bỏ phiếu.

Lần thứ hai là tham gia vào ứng cử chức danh đó, được giới thiệu, chứ không phải ứng cử, đưa ra để cho hội nghị Trung ương cho ý kiến là đồng chí nào nên ở lại.

Lần biểu quyết thứ 3 là lần biểu quyết riêng đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở lại và đa số ý kiến Trung ương đồng ý cho đồng chí Trọng ở lại để giới thiệu ra Đại hội.

Tôi thấy là về nhân sự chủ chốt làm như vậy là quá kỹ và cũng không còn ý kiến gì khác nữa, và Trung ương đã làm việc với tinh thần dân chủ rất cao.

Tôi có tham gia kiểm phiếu 14 lần để chuẩn bị cho các chức danh đó. Như thế tôi nghĩ rằng là Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội đã làm hết trách nhiệm của mình, làm tròn trách nhiệm của mình đối với Đại hội. Tốt quá rồi. Các đồng chí nhớ trong phát biểu bế mạc của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là chúng ta đã có một sự tín nhiệm rất là tập trung.

Bên ngoài thì có thể có việc này, việc kia phức tạp, còn vào tổ chức Đảng thì tôi rất tin tưởng các đại biểu. Đảng mình lãnh đạo cả Nhà nước và xã hội, nên vai trò của Đảng rất quan trọng, nhất là khi chuẩn bị nhân sự chủ chốt.

Còn việc đại biểu ngoài Trung ương có thể giới thiệu các đồng chí đã xin rút, thì có thể không mà cũng có thể có, đó là quyền của đại biểu, nhưng cá nhân những đồng chí đã ở trong Ban Chấp hành khoá 11, theo nguyên tắc phải tự xin rút. Vì Ban Chấp hành là tổ chức chặt chẽ, nếu ai đó không được Ban Chấp hành giới thiệu thì anh phải tự rút, nếu anh đã tự nguyện xin rút trước đó thì điều này càng được khẳng định.

Như thế đã có quyền tự do rồi, chứ nói mất quyền là không đúng, vì anh đã có quyền khi Trung ương chuẩn bị rồi. Đảng Cộng hoà, Đảng Dân chủ bên Mỹ cũng thế thôi, phải chọn người đủ khả năng ra ứng cử chứ.

Rút hay không thì sẽ do Đại hội quyết định, thưa ông?


Đại hội sẽ quyết định cuối cùng theo đa số, nhưng cá nhân đó nêu ý kiến của mình thì cũng tác động rất quan trọng, vì anh không sẵn sàng làm lãnh đạo thì tôi cũng tôn trọng anh.

Quan trọng là cá nhân có sẵn sàng nhận nhiệm vụ không.

Giả sử khi bầu nhân sự chủ chốt không được số phiếu quá bán thì sao ?


Nói thế thì hơi tế nhị, tôi mong đã chủ chốt là phiếu cao.

Tại Đại hội, liệu có giới thiệu nhiều nhân sự hơn số Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị?


Các đại biểu đều có quyền giới thiệu, nhưng có thể một số đồng chí sẽ xin rút, một số khác cũng có thể ở lại, nhưng số dư không quá 30% vì điều này đã được Đại hội biểu quyết. Như thế là số dư đúng như Đại hội lựa chọn và quyết định.