Thu phí đọc báo online tại Việt Nam: VietnamPlus tiên phong?
"Không thử thì không thể biết mình có thành công hay không", Tổng biên tập Lê Quốc Minh nói
"Một năm rưỡi qua, VietnamPlus đã thử nghiệm sản xuất những nội dung cao cấp là các bài viết theo định dạng mega-story hay long-form, và trong tương lai rất gần, chúng tôi có kế hoạch sẽ thử nghiệm thu phí trên những bài đó".
Ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Tổng biên tập báo điện tử Vietnam Plus, không giấu tham vọng về thu phí đọc báo online, khi chia sẻ với VnEconomy bên lề một cuộc tọa đàm về Internet mới đây.
Ông Minh cho biết, VietnamPlus hiện có khoảng gần 300 bài long-form và số lượng bài viết này có thể chuyển sang hình thức thu phí. Tuy nhiên, lúc nào chính thức bắt đầu thì tờ báo này vẫn còn đang cân nhắc.
Theo ông Minh, phản ứng của độc giả với những bài long-form đến thời điểm hiện tại là tốt, mức độ truy cập tương đối cao, thời lượng lưu lại trên trang lớn.
Cụ thể, những tin bài thông thường, độc giả lưu lại trên trang chỉ 15-30 giây, nhưng những bài long-form thì độc giả lưu lại trang trung bình từ 5-6 phút, và thậm chí có những bài trên 10 phút.
"Chúng tôi cũng không kỳ vọng tạo được nguồn thu lớn từ việc thu phí, nhưng cần bắt đầu tạo ra sự thay đổi trong thói quen của người sử dụng. Nếu họ muốn đọc những bài dài, bài chất lượng cao, thì phải trả phí", Tổng biên tập VietnamPlus nói, đồng thời cho biết, trong quá trình thử nghiệm để tạo ra thói quen này, tờ báo của ông sẽ chấp nhận đầu tư và chấp nhận chịu thua lỗ.
"Tất nhiên, chúng ta cũng phải xác định những người bỏ tiền ra cũng chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ, và ta phải sản xuất được nội dung nhắm vào tỷ lệ đó, thay vì tham một quy mô lớn để sản xuất nội dung ôm đồm quá sẽ không hiệu quả", ông nói.
"Quan điểm sẽ thay đổi"
Ông Minh cho biết, VietnamPlus hiện có khoảng gần 300 bài long-form và số lượng bài viết này có thể chuyển sang hình thức thu phí.
5 năm trước, tại một hội thảo về công nghệ và nội dung số, cũng trả lời VnEconomy, ông Minh từng đề cập đến xu hướng thu phí đọc báo online và cho rằng đây là "xu hướng bắt buộc". Tuy nhiên, sau 5 năm, việc thu phí đọc báo online ở Việt Nam vẫn đang tỏ ra xa vời.
Con đường thu phí đọc báo online của Việt Nam, theo ông Minh, đang gặp nhiều trở ngại.
Thứ nhất là các cơ quan báo chí chưa tạo ra được những sản phẩm chuyên biệt, phản ánh những đặc thù riêng của tờ báo mình, đủ để khiến cho người dùng phải "móc túi" trả tiền.
Thứ hai là về thanh toán. Nhiều người dùng Việt Nam chưa quen với việc phải cung cấp thông tin thẻ tín dụng cho các trang thông tin mà họ cho rằng không an toàn về mặt an ninh. Cách thức đơn giản nhất được áp dụng từ nhiều năm nay là phối hợp với các nhà mạng. Tuy cách này đơn giản cho người dùng, nhưng lại phức tạp trong việc phân chia doanh thu, lợi nhuận.
Tất cả những khó khăn trên, theo Tổng biên tập VietnamPlus, đã dẫn đến việc thu phí đọc báo online ở Việt Nam chưa phát triển.
Song ông Minh cũng tin rằng, quan điểm về thu phí đọc báo online tại Việt Nam thời gian tới sẽ thay đổi, vì lý do hạ tầng thanh toán của Việt Nam đã hiệu quả hơn, thuận tiện hơn và có nhiều phương thức thanh toán hơn, thay vì thuần túy là nạp tiền từ thẻ tín dụng.
Lấy dẫn chứng từ những tờ báo nước ngoài đi đầu trong việc chuyển sang thu phí như Financial Times hay Wall Street Journal, và gần đây là New York Times, ông Minh nói, trước đây, doanh thu từ tiền quảng cáo của các tờ báo thông thường chiếm khoảng 85%, tuy nhiên hiện nay, chẳng hạn như tờ New York Times, doanh thu từ thu phí đã lên tới 57% - điều đó có nghĩa là tờ báo có thể không phải phụ thuộc nhiều vào quảng cáo như trước.
Ngoài ra ý thức của người dùng cũng đang thay đổi nhiều. Không chỉ người trẻ, mà những người nhiều tuổi hơn cũng sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử ngày một nhiều và bắt đầu quen với cách thức này.
"Con đường nên tham gia"
Một bài viết được xếp vào diện trả phí trên phiên bản online của tờ The Wall Street Journal - Ảnh chụp màn hình.
Xu hướng thu phí đọc báo online trên thế giới đã bắt đầu. Khi nhìn thấy con đường thì nên tham gia, còn việc áp dụng có thành công hay không lại là chuyện khác, theo ông Minh.
"Nền kinh tế hôm nay tốt thì quảng cáo nhiều, mai kém thì quảng cáo thấp đi. Hôm nay mình độc quyền, nhưng ngày mai lại có thể xuất hiện các nền tảng khác hút hết tiền quảng cáo", ông Minh nói.
Ông cũng cho rằng, để thu phí đọc báo ở Việt Nam không hề đơn giản, tuy nhiên, trước hết cần sự thay đổi tư duy từ các cơ quan sản xuất nội dung. Theo đó có thể thử nghiệm bằng nhiều hình thức, như một số nội dung cho đọc miễn phí sau đó thu phí, hoặc thu cứng (tức đọc đến đâu thu đến đấy).
Theo ông Minh, về logic, người dùng đã bỏ tiền ra mua báo in được thì hoàn toàn có thể bỏ tiền ra mua báo điện tử được, dù rằng từ logic đến thực tế là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
"Nhưng điều quan trọng nhất là phải thử nghiệm, vì không thử thì không thể biết mình có thành công hay không. Và muốn thử nghiệm thì phải chấp nhận đầu tư, chấp nhận chi phí sản xuất ra các nội dung thực sự hữu ích cho độc giả".
"Khi độc giả đã tin tưởng nguồn tin với những nội dung tốt, chất lượng, họ sẽ bỏ tiền", ông Minh kỳ vọng.