09:54 23/09/2019

Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi cử tri Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump

An Huy

Trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ kêu gọi cử tri Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử 2020

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Donald Trump trong sự kiện ở Texas ngày 22/9 - Ảnh: Bloomberg.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Donald Trump trong sự kiện ở Texas ngày 22/9 - Ảnh: Bloomberg.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi hai nhà lãnh đạo cùng đứng trên sân khấu trong một sự kiện có sự tham gia của hơn 50.000 người Mỹ gốc Ấn diễn ra ở Houston ngày Chủ nhật.

Theo hãng tin Bloomberg, ông Modi tiết lộ rằng trong cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo, ông Trump đã nói với ông rằng Ấn Độ có một "người bạn thực sự" ở Nhà Trắng. Ngoài ra, ông Modi ca ngợi ông Trump về những nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế Mỹ và đưa mối quan hệ Mỹ-Ấn lên một tầm cao mới.

"Tôi còn ngưỡng mộ ông Trump vì khiếu lãnh đạo của ông ấy", ông Modi phát biểu. Trong bài nói chuyện, Thủ tướng Ấn Độ hưởng ứng khẩu hiệu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, nói rằng ông Trump "đã làm cho nền kinh tế Mỹ mạnh trở lại".

Theo dữ liệu của Pew Research Center có trụ sở ở Washington, người gốc Ấn chiếm khoảng 1/5 trong tổng số 20 triệu người Mỹ gốc Á, và là nhóm có trình độ học vấn và thu nhập cao hơn so với các nhóm nhập cư khác ở Mỹ. Khoảng 65% người Mỹ gốc Ấn là người theo hoặc ngả về Đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản ông Trump - vị Tổng thống Cộng hòa - nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng khi ông phát biểu trên cùng sân khấu với ông Modi ở Houston, nhất là khi ông nói tới những vấn đề như an ninh.

Đáp lại những lời tán dương của ông Modi, ông Trump ca ngợi tài lãnh đạo kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ. Ông Trump nói ông có mặt tại sự kiện này là để bày tỏ "niềm biết ơn sâu sắc" với gần 4 triệu người Mỹ gốc Ấn đang sống và làm việc tại Mỹ. Ông cũng nói Mỹ và Ấn Độ sẽ tăng cường quan hệ thương mại, tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung, và thậm chí hợp tác thăm dò vũ trụ.

"Chúng ta sẽ làm vững mạnh thêm mối quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ", ông Trump nói.

2

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ấn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của 50.000 người Mỹ gốc Ấn có mặt tại sự kiện - Ảnh: CNN.

Đây có lẽ là sự kiện lớn nhất từng được tổ chức ở Mỹ dành cho một nhà lãnh đạo nước ngoài. Texas là trạm dừng chân đầu tiên của ông Modi trong chuyến công du Mỹ kéo dài 1 tuần. Mục tiêu của ông Modi trong chuyến thăm Mỹ này là đạt một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Mỹ và thuyết phục giới đầu tư Mỹ rằng Chính phủ của ông có đủ khả năng vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc của Ấn Độ.

Ngay trước khi lên đường thăm Mỹ, ông Modi đã công bố một gói cắt giảm thuế doanh nghiệp trị giá 20 tỷ USD trong bối cảnh kinh tế Ấn Độ tăng trưởng yếu nhất 6 năm.

Gần đây, quan hệ Mỹ-Ấn có phần căng thẳng sau khi ông Trump chấm dứt chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) đối với Ấn Độ và New Dehli đáp trả bằng cách áp thuế lên nhiều mặt hàng Mỹ.

Giới phân tích cho rằng việc ông Trump xuất hiện cùng ông Modi trong sự kiện ở Houston có thể xoa dịu căng thẳng thương mại Mỹ-Ấn, đồng thời cũng là một nỗ lực của ông Trump nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri Mỹ gốc Ấn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

Kế hoạch giảm thuế của Ấn Độ đưa thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của nước này về hàng thấp nhất ở khu vực châu Á. Việc giảm thuế có thể giúp ông Modi đạt một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Mỹ, nhiều vốn đầu tư hơn từ các công ty Mỹ, đồng thời củng cố hình ảnh của ông là một nhà lãnh đạo thân thiện với doanh nghiệp giữa lúc tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ chậm nhất từ năm 2013.

Năm ngoái, Ấn Độ thu hút 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ. Doanh nghiệp Mỹ là nhóm nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư tại Ấn Độ, nền kinh tế có quy mô 2,6 nghìn tỷ USD.