19:39 04/05/2019

Thủ tướng: Các bộ ngành và EVN phải báo cáo lại vấn đề giá điện

Nguyên Hà

"Việc tăng giá điện vừa qua đã gây tâm tư trong nhân dân. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch, Tổng giám đốc EVN cũng cần thiết phải báo cáo lại trước Chính phủ, trước nhân dân về vấn đề này"

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong tháng 4 vừa qua, việc tăng giá điện gây tâm tư trong người dân.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong tháng 4 vừa qua, việc tăng giá điện gây tâm tư trong người dân.

"Việc tăng giá điện vừa qua đã gây tâm tư trong nhân dân. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cũng cần thiết phải báo cáo lại trước Chính phủ, trước nhân dân về vấn đề này".

Chỉ đạo trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi ông chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, ngày 4/5.

Tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, trong tháng 4, đất nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Nắng nóng trên cả nước, đặc biệt ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân. Giá dầu thế giới tăng, kéo theo nhiều hệ lụy về giá cả.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 có nhiều điểm tích cực, tiến bộ. Trước hết, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Tổng cầu tăng mạnh. Một số chỉ tiêu tiếp tục chuyển biến tốt như thu ngân sách tăng cao. Nhiều doanh nghiệp mới được thành lập. Thu hút đầu tư tăng kỷ lục với nhiều dự án có quy mô. Dịch tả lợn châu Phi đang được hạn chế ở mức thấp nhất, số điểm dịch mới đã giảm đáng kể. Xuất khẩu tăng, có xuất siêu. Lạm phát ở mức thấp, trong tầm kiểm soát. Chỉ số PMI tăng so với tháng trước, đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN.

Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng trước biến động tình hình thế giới và những khó khăn trong nước, phải tiếp tục kiểm soát lạm phát chặt chẽ. Đặc biệt, qua Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa diễn ra, cần phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, "chỗ này, chỗ khác còn rất chậm trễ".

Một tồn tại rất lớn là giải ngân vốn đầu tư công, do nhiều nguyên nhân, còn chậm. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ bàn các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các trường hợp chậm trễ do nguyên nhân chủ quan của bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư.

Cần tiếp tục thu hút đầu tư tư nhân và có cơ chế, chính sách để đất nước phát triển toàn diện các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, cả văn hóa, xã hội, quan tâm giải quyết các bức xúc của nhân dân tốt hơn.

Về vấn đề nông nghiệp, liên quan nhiều đến đời sống nhân dân, Thủ tướng nêu rõ, không thể chủ quan. Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt hơn dịch bệnh mùa hè. "Và các mặt công tác khác cần chú trọng hơn", Thủ tướng nói, đặc biệt là cần làm tốt hơn công tác thông tin và truyền thông, như về việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu.

Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về kết quả đánh giá lại quy mô GDP; việc tiếp thu, giải trình phương án phân bổ vốn và việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 33); về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 4/2019; dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Chính phủ cũng thảo luận về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết thí điểm tự chủ của 4 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; về vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư liên tịch 37 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Thông tư 15 của Bộ Y tế.

Đáng chú ý, theo Thủ tướng, trong tháng 4 vừa qua, việc tăng giá điện gây tâm tư trong người dân. Trước tình hình đó, Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá, từ đó, công khai kết quả. Về vấn đề xã hội, theo Thủ tướng, cũng nổi lên một số vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Về vấn đề tăng giá điện, trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều tối 4/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, sau khi có phản ánh của dư luận về việc tăng giá điện, Thủ tướng đã có chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cùng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiểm tra, xem xét lại việc tăng giá tác động như thế nào đến nền kinh tế, đến người dân.

Thứ trưởng Hải cũng nhấn mạnh, về nguyên tắc, trước khi trình tăng giá điện, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đã có báo cáo Chính phủ về những tác động của việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp và đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Tuy nhiên, sau khi có phản ánh của dư luận thì Thủ tướng yêu cầu phải kiểm tra lại việc điều chỉnh này với nghĩa là "đánh tác động gián tiếp" của việc tăng giá điện đến nền kinh tế. Do vậy, Bộ đã thành lập 3 đoàn công tác để thực hiện chỉ đạo này.

Trao đổi thêm về chỉ đạo của Thủ tướng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, cho biết, bắt đầu từ đầu tuần tới, Thanh tra Chính phủ sẽ bắt tay vào kiểm tra việc tăng giá điện của các cơ quan liên qua với tinh thần là làm rõ đúng – sai, cách tính giá điện đã hợp lý chưa…Sau khi có kết quả kiểm tra sẽ công bố tới các cơ quan báo chí.

Trước đó, theo phản ánh của nhiều hộ gia đình, tiền điện trong tháng 4 vừa qua của họ đột ngột tăng gấp 2 – 3 lần so với tháng trước đó, trong khi lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng,  với việc giá điện bình quân thêm 8,36% thì tiền điện phải trả thêm của mỗi hộ gia đình là 7.000 - 77.200 đồng một tháng nếu sử dụng dưới 400 kWh.

Trước những phản ánh của người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.