07:31 31/07/2018

Thủ tướng "đặt hàng" ngành nông nghiệp vào tốp 15 thế giới

KIỀU LINH

"10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam phải đứng trong top 15 nước có ngành nông nghiệp phát triển nhất thế giới, trong đó chế biến nông sản là top 10 thế giới"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan mô hình rau sạch tại Lâm Đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan mô hình rau sạch tại Lâm Đồng.

Ngày 30/7 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Nhiều khó khăn, rào cản phát triển ngành nông nghiệp

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của quốc gia và chưa thật sự bền vững, hiệu quả. 

Nêu 10 vấn đề khó khăn, vướng mắc, theo Bộ trưởng Dũng, thứ nhất, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là quy hoạch các vùng nguyên liệu chưa được triển khai hiệu quả, còn thiếu sự ổn định. 

Thứ hai, khó tiếp cận tín dụng, thuế và phí chưa hợp lý. Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng để nâng cao năng suất, nhưng ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng; khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi.

Thị trường tiêu thụ không bền vững, chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối bán lẻ lớn, chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.

Trong khi đó, nhân lực đa số trình độ thấp, tính tự do, manh mún cao, chưa được đào tạo về tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật. Ưu đãi về đầu tư công nghệ trong nông nghiệp chưa đủ mạnh, còn nhiều rào cản đối với việc công nhận và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp. Sản xuất đại trà còn chậm, mang tính nhỏ lẻ nên hiệu quả mang lại chưa cao. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như giao thông, thủy lợi, hạ tầng nuôi trồng thủy sản cũng là khó khăn mà ngành nông nghiệp đang gặp phải. Nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển chưa được thực thi một cách nghiêm túc ở một số địa phương. 

Cuối cùng, còn nhiều hạn chế trong quản lý nhà nước và truyền thông về an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là phát triển các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. 

Trong thời gian tới, đề nghị rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính và ban hành ở cấp Nghị định; nghiên cứu cắt giảm 40 - 50% thủ tục hành chính hiện hành; Rà soát, tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị. Phải thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương đổi mới mô hình đại diện thương mại ở nước ngoài để xúc tiến nông sản Việt Nam đối với các thị trường lớn, trọng tâm như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc...

Thủ tướng đặt hàng ngành nông nghiệp vào tốp 15 thế giới - Ảnh 1.

Hội nghị toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Nông nghiệp Việt Nam bỏ quên thị trường trong nước

Dù ghi nhận thành quả mà ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các doanh nghiệp, người kinh doanh còn nợ người nông dân, đất nước câu trả lời về thương hiệu cho nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ thực tế nhưng bất cập lớn trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam là rất khiêm tốn, chuyển dịch khá chậm chạp. Tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện chiếm 8% các loại hình doanh nghiệp đầu tư, trong đó ngành nông lâm thủy sản chiếm chưa đến 1%. Cả nước chỉ có 50 -70 doanh nghiệp nông nghiệp lớn đủ sức cạnh tranh với quốc tế, còn 90% là nhỏ lẻ và vừa.

Trong khi đó, số lượng lao động nông nghiệp còn khá cao, chiếm 48% tổng số lao động cả nước, tỷ lệ này ở Nhật và Mỹ chỉ 27%. Thời gian tới, cần đưa máy móc và kỹ thuật vào để tăng hiệu quả, hiện đại hóa nông nghiệp ngành nghề.

Người đứng đầu Chính phủ nói rõ thực trạng của thị trường nông sản Việt: Chúng ta luôn hướng ra ngoài để xuất khẩu nhưng chúng ta lại quên là chúng ta có gần 100 triệu dân trong nước.

Mấy năm trở lại đây Việt Nam đã xuất hiện tình trạng dư thừa. Nền nông nghiệp Việt Nam là nông nghiệp nhiệt đới đối diện và bổ sung với nhiều nền nông nghiệp ôn đới. Tại Trung Quốc họ nói trái cây của Việt Nam chất lượng thơm ngon hơn trái cây của Thái Lan; nhiều loại hoa quả ngọt, thơm hơn nhưng họ không mua được?.

"Tôi ăn thử xoài của Sơn La, ngon không kém xoài của Nhật Bản đâu. Chúng ta có thổ nhưỡng và khí hậu cũng như nhiều loại cây trái rất ngon", Thủ tướng nói và cho rằng, chất lượng không đi liền với thương hiệu là lỗi của tổ chức thị trường. Chúng ta phải làm lại và làm thật chặt vấn đề này.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải lên tiếng mạnh mẽ các tổ chức, cá nhân đã và đang cố tình làm bẩn, bơm hóa chất vào thực phẩm, nông sản để tiêu thụ, bán trong nước, đầu độc thị trường và người tiêu dùng Việt.

"Tại hội nghị này, tôi đặt hàng 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam phải đứng trong top 15 nước có ngành nông nghiệp phát triển nhất thế giới, trong đó chế biến nông sản là top 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam phải là trung tâm chế biến và logistic của nông sản và thương mại nông nghiệp toàn cầu", Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành nông nghiệp Việt Nam.