Thủ tướng: Miền Trung cần tránh mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên chiến lược kinh tế
Thủ tướng chỉ rõ miền Trung cần tránh mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, để “hai chân không dẫm vào nhau”
Hôm nay (20/8), tại Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung.
Hội nghị có sự tham dự của các nhà đầu tư lớn trong nước và đại diện một số tập đoàn nước ngoài, các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố miền Trung và đại diện 2 tỉnh Tây Nguyên với trên 700 đại biểu, được xem là hội nghị quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với vùng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng cho biết, nhìn vào bản đồ nước ta, miền Trung như xương sống của đất nước. Cũng có hình ảnh ví von miền Trung như chiếc đòn gánh, thế nên "hai đầu quá nặng mà đòn gánh yếu thì sẽ gãy".
Bởi vậy, "Chúng ta bàn phát triển miền Trung không phải việc riêng của 14 tỉnh", Thủ tướng nêu rõ. Sự hiện diện đông đủ của không chỉ đại diện các tỉnh miền Trung, mà cả lãnh đạo các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội thể hiện sự quan tâm đến tầm quan trọng của sự phát triển miền Trung đối với đất nước.
Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn chỉ ra các nút thắt để tìm ra giải phát sát thực, hiệu quả hơn, nhất là chính sách, quan điểm phát triển để tháo gỡ; kỳ vọng Hội nghị lần này đưa ra được những phân tích, giải pháp, ý tưởng và đề xuất cụ thể để ban hành một chỉ thị của Thủ tướng thúc đẩy ngay sau hội nghị, đặc biệt là những giải pháp cho năm 2020 và kế hoạch 5 năm tới.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề, gợi mở một số góc nhìn để các đại biểu cùng suy nghĩ.
Thứ nhất, quy mô kinh tế của Vùng miền Trung đạt gần 1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% GDP cả nước, nhưng nhìn vào tiềm năng thì cần thiết phải đưa tỉ trọng này cao hơn nữa.
Năm 2018, trong khi GDP của 28 tỉnh giáp biển đóng góp 73,8% GDP cả nước, thì 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chỉ đóng góp được gần 20% tổng GDP, chỉ chiếm 1/4 tổng GDP của 28 tỉnh có biển. Tiềm năng du lịch là thế mạnh, nhưng doanh thu từ du lịch chưa được 20% cả nước.
Từ những số liệu này, Thủ tướng đặt câu hỏi: Vậy những động lực thúc đẩy toàn vùng phát triển trên cả 3 khía cạnh: Thể chế chính sách động lực (ví dụ phân cấp kinh tế, liên kết vùng); ngành động lực (công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch); nhân tố động lực (tài nguyên tự nhiên, con người, khoa học-công nghệ) là gì? Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy những ngành động lực phát triển cả về năng suất và chất lượng?
Thủ tướng yêu cầu Miền Trung cần tăng tốc phát triển cao hơn để có quy mô kinh tế lớn hơn. Khu vực tổ chức Hội nghị từng là những bãi sình lầy, cây cối thưa thớt, giờ đây, sau 3-4 năm, nơi này thành khu đô thị du lịch, khách sạn hạng sang. Sự thay đổi này phải chăng là gợi mở cho việc phát huy thế mạnh của chúng ta?
Thứ hai là nguồn lực vốn con người của miền Trung. Người miền Trung dù đi đâu, làm gì vẫn vẹn nguyên cốt cách, tố chất và tính cách (bộc trực, cần cù, chăm chỉ và quyết liệt). Rất nhiều nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt nhiều nhà kinh doanh giỏi, nhiều tỷ phú Việt Nam xuất thân từ dải đất miền Trung này. Đây là tài sản rất quan trọng đối với các tỉnh miền Trung.
Vậy cần làm sao để những con người miền Trung giàu và giỏi đóng góp cho quê hương. Câu hỏi lớn hơn nữa là làm sao để thu hút được người giỏi, người tài, người giàu đến miền Trung sinh sống và làm việc, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thứ ba, Thủ tướng chỉ ra, miền Trung chiếm 28,9% diện tích cả nước, có đến 14 tỉnh, thành phố nhưng do điều kiện địa lý nên dễ bị tổn thương về mặt tự nhiên và xã hội, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy sự hợp tác, đối phó với những thách thức này như thế nào?
Liên kết vùng là bài toán sống còn đối với tất cả các địa phương trong vùng. Chúng ta đã bàn nhiều về liên kết vùng, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải ưng ý, nhất là bài toán liên kết về hạ tầng, đào tạo nhân lực, phân công lao động, phân công sản xuất,... để tối ưu hóa phương án đầu tư. Do đó, cần xác định những chương trình mục tiêu phát triển ở quy mô vùng như du lịch vùng, nhân lực vùng, thị trường lao động chung, bảo vệ môi trường vùng,...
Thứ tư, theo Thủ tướng, cùng với biển bạc, các tỉnh miền Trung còn có nguồn tài nguyên lớn là rừng. Thủ tướng đã có lệnh "đóng cửa rừng tự nhiên" chính là để giữ gìn tài nguyên, môi trường cho thế hệ sau và đến nay chúng ta đã đạt được nhiều kết quả phát triển rừng quan trọng. Trong giai đoạn tới, cần phát huy lợi thế rừng vàng-biển bạc như thế nào? Cần điều chỉnh những chính sách đã ban hành về kinh tế rừng, kinh tế biển thế nào để thúc đẩy sự phát triển của miền Trung?
Vấn đề thứ năm mà Thủ tướng đặt ra là ưu tiên chiến lược phát triển. Mức tăng trưởng công nghiệp-xây dựng bình quân giai đoạn 2016-2018 toàn vùng đạt 10,36%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước (8,1%). Trong khi đó, ngành dịch vụ của vùng hiện có tốc độ tăng trưởng rất cao, chiếm tỉ trọng lên đến 41,59% kinh tế vùng, trong đó ngành du lịch đang là động lực tăng trưởng của các tỉnh miền Trung.
Theo Thủ tướng, cần tránh mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn tới. Làm sao để "hai chân không dẫm vào nhau", có được bước đi nhanh và không vấp ngã. Cần chú ý xử lý những vướng mắc từ công tác quy hoạch.
Ngoài những vấn đề gợi mở trên đây, Thủ tướng cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác như phát triển kinh tế tư nhân, tăng tốc đô thị hóa, đào tạo lao động, di dân, vấn đề quy hoạch, cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, khởi nghiệp và sáng tạo cùng nhiều vấn đề hạ tầng xã hội khác.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu không nêu nhiều về thành tựu hay thực trạng, mà tập trung vào các định hướng lớn trong giai đoạn tới, đặc biệt cần có các đề xuất thật cụ thể, các ý tưởng, giải pháp có thể triển khai ngay từ bây giờ hoặc trong năm 2020, như một bác sĩ giỏi phải bắt đúng bệnh thì mới chữa được bệnh.
"Chính phủ, Thủ tướng luôn coi trọng sự phát triển kinh tế-xã hội miền Trung, luôn đặt ở vị trí ưu tiên trong sổ tay chương trình nghị sự của mình, để khi lật ra là nhớ và hành động", Thủ tướng nói và mong muốn các bộ trưởng, các thủ lĩnh ngành, các lãnh đạo địa phương, tùy theo vị trí và trách nhiệm của mình cũng phải đặt sự ưu tiên phát triển vùng lên trang đầu trong chương trình nghị sự của mình.
Một số hình ảnh khác của Thủ tướng tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung:
Ảnh: VGP