14:08 27/12/2017

Thượng Hải giới hạn dân số ở mức 25 triệu người

Hoài Thu

Dân số Thượng Hải là 24,15 triệu người vào cuối năm 2015

Tình trạng quá tải xảy ra tại nhiều thành phố lớn của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tình trạng quá tải xảy ra tại nhiều thành phố lớn của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Nằm trong kế hoạch chống lại "căn bệnh đại đô thị", Thượng Hải - trung tâm tài chính của Trung Quốc sẽ giới hạn dân số ở mức 25 triệu người, hãng tin Reuters cho biết.

Ngày 25/12, chính phủ Trung Quốc cho biết trên website rằng mục đích của việc hạn chế dân số là để kiểm soát quy mô thành phố Thượng Hải, nằm trong quy hoạch tổng thể giai đoạn 2017-2035 đã được chính phủ thông qua.

"Tới năm 2035, dân số Thượng Hải sẽ được kiểm soát ở mức 25 triệu người và tổng số đất đai được cấp phép xây dựng sẽ không vượt quá 3.200 km2".

Cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc định nghĩa "bệnh đại đô thị" là khi một siêu đô thị phải chịu tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và các dịch vụ công như giáo dục và y tế không đủ đáp ứng.

Thành phố Thượng Hải nằm ở vùng duyên hải phía Đông Trung Quốc, với dân số 24,15 triệu vào cuối năm 2015, hãng thông tấn Xinhua cho biết vào năm ngoái.

Cũng nằm trong quy hoạch tổng thể trên, thành phố này cho biết đang tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường và các di tích lịch sử.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch này. Một chuyên gia cao cấp của chính phủ nước này gọi đây là kế hoạch "thiếu thực tế và đi ngược lại xu hướng phát triển xã hội".

Năm ngoái, khi kế hoạch trên đang được soạn thảo, nhà nghiên cứu Liang Zhongtang của Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho rằng người lao động nhập cư và người nghèo tại thành phố sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Hồi tháng 9, chính phủ Trung Quốc cũng đặt một giới hạn tương tự cho thủ đô Bắc Kinh với tuyên bố dân số thành phố này không vượt quá 23 triệu USD vào năm 2020. Năm 2014, dân số Bắc Kinh là 21,5 triệu USD. Giới chức thành phố này cũng muốn giảm 15% dân số của 6 quận chính so với năm 2014.

Để đạt được mục tiêu này, hồi tháng 4, giới chức nước này cho biết một số cơ quan chính phủ, công ty nhà nước và cơ quan chức năng "không trọng yếu" sẽ phải rời sang thành phố mới cách Bắc Kinh 100km về phía nam. Thời gian di dời chính xác chưa được xác định, nhưng giới chức Bắc Kinh đã bắt đầu kết hoạch định hình lại dân số thành phố.

Đầu tháng 11, hàng chục nghìn lao động nhập cư bị buộc phải rời khỏi nơi ở sau khi chính phủ phát động chiến dịch kéo dài 40 ngày "truy quét" các toà nhà không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Hiện tại, nhiều thành phố lớn của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng giá nhà "trên trời", gây lo ngại về nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản. Thượng Hải và Bắc Kinh đã phải ban hành quy định nghiêm ngặt về việc cho phép mua bất động sản bởi đây là hai thành phố chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu giá nhà tăng cao.