11:58 14/04/2018

Tiếp tục ''hút'' vốn FDI vào Việt Nam bằng cách nào?

Ngọc Lan

Không thu hút các dự án tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, công nghệ lạc hậu và sử dụng không hiệu quả đất đai, tài nguyên

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Với niềm tin chắc chắn rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục lựa chọn và hướng đến Việt Nam, coi Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn và nhiều tiềm năng, Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những chia sẻ về giải pháp thu hút vốn FDI.

Ông  đánh giá thế nào về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 30 năm qua kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được thông qua?

Cuối năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua. Tính đến 20/12/2017, cả nước có 24.748 dự án với tổng vốn đăng ký 318,72 tỷ USD. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 172,35 tỷ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Khu vực FDI đã đầu tư vào 19/21 ngành và hiện diện khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tỷ trọng cao nhất với 186,1 tỷ USD, với 58,4% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 53,1 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 20,8 tỷ USD (chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư).

Đầu tư nước ngoài đã tạo ra một phương thức thu hút đầu tư mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, "khơi dậy" và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư trong nước. Hiện nay, vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội, hơn 20% trong GDP.

Đầu tư nước ngoài cũng giúp tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với trên  3,5 triệu lao động trực tiếp và khoảng 4 - 5 triệu lao động gián tiếp. 

Đồng thời, giúp nâng cao trình độ công nghệ,  nâng cao nguồn nhân lực kỹ thuật cao; đặc biệt là trong một số ngành như dầu khí, điện tử, viễn thông, tin học, cơ khí chế tạo và dệt may, giày dép.

Hiện nay 59,4% vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp.  

Qua đó giúp Việt Nam có điều kiện tiếp cận với nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới,  tạo điều kiện góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như: điện tử, phần mềm, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, dầu khí...

Đầu tư nước ngoài còn giúp thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc giúp Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại; giúp quảng bá thương hiệu quốc gia, từng bước nâng cao thế và lực của nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Bên cạnh những đóng góp có thể lượng hóa được, thì khu vực đầu tư nước ngoài còn được nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế đánh giá cao về tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế; khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm, làm xuất hiện nhiều dịch vụ mới có chất lượng cao (ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, khách sạn, văn phòng...).

Theo ông, cần phải làm gì để giải quyết những khó khăn tồn tại đó trong quá trình thu hút FDI?

Thời gian tới, để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong quá trình thu hút FDI chúng ta cần triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. 

Cụ thể, cần tiếp tục  thực hiện tốt các giải pháp về hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch; tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Theo Nghị quyết 103/NQ-CP (29/08/2013) của Chính phủ, chúng ta cần hoàn thiện môi trường đầu tư, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn này vào Việt Nam với chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Việt Nam sẽ chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia.

Thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ.

Ông có thể cho biết triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới?

Ngoài việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn và tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam cũng cần chú trọng việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thu hút các dự án tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, công nghệ lạc hậu và sử dụng không hiệu quả đất đai, tài nguyên.

Chúng ta phải chú trọng huy động mọi nguồn lực để thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; nhất là hệ thống giao thông kết nối giữa các vùng miền, các khu vực trọng điểm về kinh tế; nhanh chóng triển khai hiệu quả phương thức đầu tư theo hình thức PPP.

Cuối cùng, Việt Nam cần đẩy nhanh việc triển khai việc đào tạo lao động theo nhu cầu doanh nghiệp, tận dụng năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ phía doanh nghiệp FDI.

Việt Nam có rất nhiều ưu thế về thu hút đầu tư, như tình hình an ninh, chính trị ổn định; vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới, lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng. 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá rất cao về  môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, trong đó môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Vì vậy, tôi chắc chắn rằng trong thời gian tới các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tin tưởng lựa chọn và hướng đến Việt Nam, coi Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn và nhiều tiềm năng.