16:04 05/09/2019

Thực hư việc cấy tế bào gốc làm đẹp

Minh Nguyệt

Công nghệ tế bào gốc hiện nay được xem là "cánh cửa" mở ra nhiều con đường mới trong y học cũng như thẩm mỹ làm đẹp.


Tế bào gốc có thể được ví như là nguyên liệu "thô" của cơ thể mà từ đó tất cả các loại tế bào khác với chức năng chuyên biệt được tạo ra. Ở các điều kiện thích hợp trong cơ thể hoặc trong phòng thí nghiệm, tế bào gốc phân chia tạo ra nhiều tế bào hơn gọi là các tế bào "con cháu". Các tế bào con cháu hoặc trở thành tế bào gốc mới (tự tái tạo) hoặc trở thành tế bào chuyên biệt (biệt hóa) với chức năng đặc hiệu như tế bào máu, tế bào não, tế bào cơ tim hoặc xương. Không có loại tế bào nào khác ngoài tế bào gốc có khả nặng tự nhiên này.Tế bào gốc có 2 nguồn chính là từ phôi thai hoặc từ nhu mô của người trưởng thành. Các nguồn tế bào gốc ở người trưởng thành có thể từ máu của dây rốn và bánh rau, tủy xương, máu ngoại vi, từ da và tóc, nang tóc, mô mỡ. Công dụng chủ yếu của tế bào gốc là tái tạo những tổ chức bị tổn thương do sang chấn, bệnh lý hay tuổi tác. Tại vị trí thương tổn, tế bào gốc phát triển và biệt hóa thành mô đích, đồng thời giải phóng các hormone tăng trưởng, kích thích các tế bào tăng sinh và bù đắp các tổ chức bị thiếu hụt.
Thực hư việc cấy tế bào gốc làm đẹp - Ảnh 1.
Tuy có nhiều công trình nghiên cứ chứng minh tế bào gốc có ý nghĩa to lớn trong việc điều trị nhiều chứng bệnh, cho đến nay, tế bào gốc vẫn thực sự chưa được chứng nhận ứng dụng trong thẩm mỹ và làm đẹp da. Đến thời điểm hiện tại, làm đẹp bằng cách tiêm tế bào gốc vẫn chưa được FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) công nhận. Nhưng tại Việt Nam thời gian gần đây, chị em phụ nữ đua nhau đi "cấy tế bào gốc" để trẻ hóa da, xóa vết nhăn, giúp da căng bóng…Theo các thẩm mỹ viện có dịch vụ này, tiêm tế bào gốc vào da mặt được cho là có thể làm trẻ hóa da, làm mờ nếp nhăn, tăng độ đàn hồi cho da, giúp da căng tràn sức sống. Tế bào gốc sử dụng trong thủ thuật này được chiết xuất từ mỡ của chính người muốn tiêm. Hiểu nôm na, tiêm tế bào gốc cũng tương tự như tiêm filler để làm đẹp da, chỉ có điều thứ "filler" được sử dụng ở đây là chính tế bào gốc của bạn, do đó cơ thể sẽ dễ thích ứng hơn và kết quả cũng giữ được lâu hơn.Toàn bộ quy trình tiêm tế bào gốc để làm đẹp da bao gồm 3 bước chính: lấy mỡ tự thân, tách tế bào gốc và cuối cùng là tiêm vào da. Đầu tiên, bác sỹ sẽ hút khoảng 100c mỡ (ở vùng bụng, đùi hoặc mông) của khách hàng; số mỡ này sau đó sẽ được đưa vào máy ly tâm để tách riêng tế bào gốc; tế bào gốc thành phẩm sau đó sẽ được dùng để tiêm vào da mặt, thường là vùng có nếp nhăn và hai bên má.
Thực hư việc cấy tế bào gốc làm đẹp - Ảnh 2.
Tuy nhiên, các bác sỹ khuyến cáo, các phòng khám hay thẩm mỹ viện tư nhân thường không có đủ thiết bị giúp tách hoàn toàn tế bào gốc từ các mô lấy của bệnh nhân. Hậu quả là những bệnh nhân có thể sẽ bị tiêm một hỗn hợp, bao gồm cả tế bào gốc lẫn với một loạt các loại tế bào khác, tùy vào mẫu sinh thiết trên các bộ phận cơ thể mà bác sĩ lấy ra ban đầu.Thậm chí, trái với những lời quảng cáo, có những phòng khám thậm chí không hề sử dụng tế bào gốc trong quy trình liệu pháp. Bởi vì, tế bào gốc thực sự thì cần bảo quản rất cẩn thận, nhiệt độ phải đạt tối thiểu -80oC trong bình nitơ chứ không phải bảo quản dễ dàng ở nhiệt độ bình thường. Thực chất, các sản phẩm này chỉ là sản xuất theo công nghệ của tế bào gốc, được nuôi cấy từ tế bào gốc nhung hươu, táo,… Sau khi được nuôi cấy, tế bào này sẽ nhân lên và tiết ra một chất gọi là cytokine nhằm tạo ra môi trường nuôi dưỡng cho tế bào. Sau đó, các dịch ngoại bào này sẽ được hút ra, cho vào lọ và được gọi chung thành sản phẩm tế bào gốc.
Thực hư việc cấy tế bào gốc làm đẹp - Ảnh 3.
Vì là chất dinh dưỡng nên nó sẽ không chứa nhân tế bào hay ADN. Sản phẩm này không có yếu tố tăng trưởng nên không thể xóa nhăn hay điều trị sẹo. Đó là chưa kể trong quá trình lăn kim để đưa tế bào gốc vào da, nguy cơ nhiễm trùng rất dễ xảy ra, để lại những biến chứng khó ngờ.