13:53 02/08/2019

Bánh chả Kẻ Sặt, món quà dân dã của Hải Dương

Băng Hảo

Ngoài bánh đậu xanh nổi tiếng nhất, thì Hải Dương còn có nhiều loại bánh đặc sản như bánh đa gấc, bánh gai, bánh dày… và đặc biệt là bánh chả Kẻ Sặt.


Những ai từng thưởng thức sẽ không bao giờ quên được cảm giác giòn tan khi cắn miếng bánh chả Kẻ Sặt, vị thanh bùi của lá chanh, vị béo ngậy của thịt mỡ rất riêng. Khác với bánh chả Hà Nội, thứ đặc sản của Hải Dương này là từng miếng nhỏ nhỏ giòn tan và thơm phức mùi lá chanh non. Bánh chả Kẻ Sặt có một đặc điểm có vẻ rõ nét hơn là tỷ lệ mỡ nhiều hơn bánh chả Hà Nội. Có lẽ bởi thế vị béo và vị thơm có nổi trội hơn một chút, thích hợp với bà con nông thôn hơn. Tuy nhiên, nó cũng đem lại cho khách thành thị một hương vị mới hơi khác lạ, gợi nhớ hương vị ngày xưa.Từ rất lâu, ở vùng đất này đã có những gia đình chuyên sản xuất thủ công và buôn bán bánh chả, như: Ngọc Minh, Minh Trang, Hữu Bảo... Tuy quy trình làm bánh đã có chút thay đổi do áp dụng công nghệ hiện đại, cùng với sự hỗ trợ của máy móc, song vị đặc trưng của bánh chả Kẻ Sặt vẫn được lưu giữ theo thời gian. Tùy theo bí quyết, kinh nghiệm, mỗi cơ sở sẽ có một công thức, tỷ lệ pha trộn khác nhau để tạo ra những chiếc bánh chả mang đặc trưng của riêng, nhưng đều là cảm giác giòn mà không cứng, béo mà không ngấy của bánh chả Kẻ Sặt.
Bánh chả Kẻ Sặt, món quà dân dã của Hải Dương - Ảnh 1.
Chắc chắn một điều, chiếc bánh chả thơm ngon phải được tạo ra từ những nguyên liệu tươi, sạch. Theo ông Lương Viết Toàn, chủ Cơ sở sản xuất bánh chả Minh Trang ở đường Phạm Ngũ Lão, thị trấn Kẻ Sặt, để làm ra một chiếc bánh chả phải dùng khoảng 20 nguyên liệu, thậm chí nhiều hơn. Trong đó không thể thiếu bột mì, bột nếp, lạc, vừng, bơ, dầu, mỡ lợn, đường, muối, lá chanh… Khâu chọn nguyên liệu vô cùng quan trọng. Thịt mỡ phải là loại thực phẩm tươi sạch, không được ôi thiu. Lá chanh phải chọn những lá già và không để héo. Bột mì cũng nên dùng loại mới thì khi bánh nướng xong mới dậy mùi thơm và bánh mới vàng.
Bánh chả Kẻ Sặt, món quà dân dã của Hải Dương - Ảnh 2.
Các nguyên liệu làm nhân bánh thái nhỏ, trộn đều với nhau. Bột sau khi ủ, dàn mỏng, nhân đặt bên trong, cuộn thành hình ống rồi nặn vuông, tròn tùy ý, dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ xinh. Sau đó cho vào lò nướng. "Công đoạn nướng bánh thuận tiện hơn xưa nhiều vì đã có lò nướng điện, nhưng không phải cứ xếp bánh vào lò, bấm nút hẹn giờ là xong", ông Toàn nói. Tùy theo thời tiết, độ ẩm không khí mà điều chỉnh thời gian, nhiệt độ phù hợp, chỉ có những người làm bánh lâu năm mới biết việc này.Bánh chả Kẻ Sặt ngon nhất là khi thưởng thức cùng với chè xanh. Cắn một miếng bánh, nhấp một ngụm trà, vị chát khiến cảm giác ngọt và béo giảm bớt, mùi thanh tươi mát tôn lên hương vị thơm phức của lá chanh, thịt mỡ... Ăn một miếng giòn vỡ trong miệng rồi đến cái dai dai của mỡ đã trở thành một hương vị không chỉ thân thuộc mà còn là món quà ăn vặt thơm ngon đặc sắc của con người Hải Dương.
Bánh chả Kẻ Sặt, món quà dân dã của Hải Dương - Ảnh 3.
Ngày nay, bánh chả Kẻ Sặt ngoài tiêu thụ trong tỉnh còn xuất đi nhiều tỉnh khác như Hải Phòng, Hưng Yên, thậm chí vào các tỉnh phía Nam. Những người con xa quê, về với thị trấn, tìm mua bánh chả để nhớ lại vị quê hương, nhiều học sinh, sinh viên mua bánh chả để làm quà tặng các bạn. Khách thập phương đến Kẻ Sặt cũng chọn bánh chả cùng với bánh đa gấc làm quà tặng bạn bè, người thân.