14:41 01/08/2019

Về rừng đước ăn vọp nướng Cà Mau

Băng Hảo

Cà Mau mang hương sắc đậm đà của cả biển và rừng, điều đó đã được in dấu rõ nét trong văn hóa ẩm thực. Ngoài cua, ba khía, ốc len, thì vọp là một đặc sản bạn nhất định phải nếm thử.


Đối với nhiều người, có lẽ, con vọp vẫn còn khá xa lạ "như chưa hề quen biết" nhưng đối với người Cà Mau thì không ai không biết đến con vọp và con vọp là một trong những loại hải sản ngon, phổ biến ở vùng đất cuối cùng bản đồ Việt Nam. Vọp là loài nhuyễn thể hai mảnh võ, sống ở các vùng bãi bồi ven biển, đặc biệt là trong các khu rừng đước các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.Trong quá trình bồi đắp, lấn biển thêm rừng ở vùng đất Cà Mau, cây mắm đi trước, cây đước theo sau, dưới những tán rừng đước bạt ngàn, con vọp dấu mình sinh sôi nảy nở. Chính vì thế, trong hai bộ truyện nổi tiếng đất Nam Bộ, Đất rừng phương Nam và Bác Ba Phi, đều có nói đến con vọp ở vùng rừng đước Cà Mau, thậm chí còn tôn nó lên thành một trong 4 đặc sản ngon nhất vùng đất mũi "tôm cua sò vọp"…
Về rừng đước ăn vọp nướng Cà Mau - Ảnh 1.
Về rừng đước ăn vọp nướng Cà Mau - Ảnh 2.
Loài vọp rừng cứ âm thầm chôn mình dưới vùng đất bãi bồi ngập mặn để sinh sôi, nẩy nở, nên vọp Cà Mau thân to hơn ở các vùng khác, không tanh. Thịt vọp ngọt, dai dai, ăn rất ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: vọp hấp gừng, vọp nướng mỡ hành, vọp xào bồn bồn, vọp nấu cháo, vọp kho sả ớt, vọp nấu canh chua,… Đơn giản và nhanh nhất là luộc vọp chấm nước mắm chua ngọt, nếu cầu kì thêm một tý thì nên luộc vọp với gừng, ăn sẽ đậm đà hơn.Chọn những con vọp to đều nhau, đem cạo và rửa sạch lớp rong rêu bám ngoài vỏ. Nấu một ít nước, cho vào vài lát gừng giã giập. Chờ nước sôi, thả vọp vào luộc, để vài phút thấy vọp há miệng ra tức là vọp đã chín, lúc đó phải nhắc xuống ngay bởi nếu luộc lâu thịt vọp sẽ teo lại, ăn mất ngon. Không gì thú vị hơn khi vừa gỡ thịt từng con vọp nóng hổi, chấm với nước mắm chua ngọt, mắm cay hoặc muối tiêu chanh tùy theo sở thích của mỗi người, vừa nhấm nháp vài ly bia lạnh. Thịt vọp dai dai, ngọt ngọt hòa quyện với vị chua cay của nước chấm, hơi gừng nồng nàn đã tạo thành một món ăn khoái khẩu.
Về rừng đước ăn vọp nướng Cà Mau - Ảnh 3.
Về rừng đước ăn vọp nướng Cà Mau - Ảnh 4.
Món vọp nướng cũng đơn giản mà hấp dẫn không kém. Chỉ cần lựa chọn những con vọp còn sống, rửa sạch, để ráo nước rồi để lên vỉ nướng trên bếp than hồng. Gia vị cho món vọp nướng gồm muối tiêu chanh thêm bột ngọt, các loại rau cải gồm rau răm, rau thơm, húng lủi... Ai thích thì có thể cho thêm một ít mỡ hành, đậu phộng để làm gia tăng thêm hương vị bùi bùi, béo béo của món ăn dân dã này. Thấy vọp há miệng là vừa chín tới, ăn rất ngọt, để lâu sẽ chín quá, khô nước, thịt dai và ăn không còn ngon, ngọt. Thịt vọp chấm với muối tiêu chanh bạn sẽ thấy vị ngọt của vọp, vị thơm của các loại rau ăn kèm, vị chua cay tiêu chanh và vị mặn của muối, hòa quyện trong đó là mùi hương đặc trưng của than củi của khói bếp lò phảng phất…tất cả đã làm nên những món ăn ngon, đặc sắc mang đậm bản sắc địa phương.
Về rừng đước ăn vọp nướng Cà Mau - Ảnh 5.
Về rừng đước ăn vọp nướng Cà Mau - Ảnh 6.
Riêng ở Ngọc Hiển, Năm Căn, vùng rừng đước phủ xanh bạt ngàn, có một cách thưởng thức vọp khá độc đáo và mang đậm dấu ấn thời khẩn hoang là vọp nướng chông. Người ta lựa một khoảnh đất nhỏ cấm chặt miệng những con vọp xuống đất như cấm chông, sau đó phủ một lớp củi đước lên cho thật đều rồi đốt lửa. Củi đước cháy bùng lên tỏa sức nóng xuống đất rồi lụi tàn nhanh. Khi củi tàn, móc những con vọp cháy xém này lên ăn rất ngon. Vì bị cấm chặt trong đất nên vọp không hở miệng, nước trong con vọp gần như giữ nguyên, húp cái nước có vị mặn ngọt này thì quên cả sầu, đã lắm, có khi lại ngẩn ngơ, bồi hồi: "Vọp rừng mà đem nướng chông/Nhuốm mùi khói đước nhớ mong tìm về..."