08:56 17/01/2020

Tìm lại thú chơi tranh Tết

Tuệ Mỹ

Các cụ ta có câu "Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc". Có thể thấy bên cạnh hoành phi, câu đối, thì tranh là thú chơi tao nhã không thể thiếu trong các dịp lễ tết.


Tranh dân gian ra đời để phục vụ đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân, phục vụ việc thờ cúng, trang hoàng trong lễ tết. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, trong nhà vào dịp Tết thường phải có tranh treo để cảnh sắc thêm vui tươi, rực rỡ, con người thêm sảng khoái, giàu sức sống và xua đi những điều đen tối, rủi ro.Đến hẹn lại lên, cứ khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm là các làng tranh đã tất bật chuẩn bị cho mùa tranh Tết. Khắp thôn làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào mà không được dân làng tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, ven ngõ xóm, đường làng, dọc theo triền đê cho đến các nóc nhà, nóc bếp… Không khí trong làng rộn rạo từ sáng đến tối suốt mấy tháng liền như thế.Thời điểm chợ tranh hoạt động nhộn nhịp nhất là vào các phiên tháng Chạp. Bà con, lái buôn, du khách từ khắp nơi đổ về thăm thú, xem tranh, mua tranh đông vui, tấp nập như trảy hội. Người đi sắm hàng Tết thường không bao giờ bỏ qua mẹt hàng tranh. Chỉ cần vài xu lẻ đã mua được một bức Tiến tài, Tiến lộc, Phú quý, Vinh hoa… về dán cửa nghinh Xuân. Sau phiên chợ cuối, những mớ tranh chưa bán hết được bọc kín cất đi chờ đến mùa tranh năm sau lại mang ra chợ bán.
Tìm lại thú chơi tranh Tết - Ảnh 1.
Tìm lại thú chơi tranh Tết - Ảnh 2.
Đề tài của tranh Tết hết sức phong phú, đa dạng, phản ánh từ những gì gần gũi, thân thiết nhất với đời sống thường nhật của người dân nơi thôn dã như con gà, đàn lợn, ông đồ, đám cưới, hái dừa, đánh ghen, chơi đu, đấu vật, bịt mắt bắt dê… đến những điều thiêng liêng, cao quý như tranh Sơn tinh Thủy tinh, Phù Đổng thiên vương, Bà Trưng, Bà Triệu, Tiến tài, Tiến lộc, Vinh hoa, Phú quý… Tranh Tết chính là hình ảnh cô đọng của sinh hoạt hàng ngày. Tranh Tết còn thể hiện những ước vọng về một cuộc sống thuận hòa, khỏe mạnh, hạnh phúc... cùng những khát khao hướng tới Chân - Thiện - Mỹ.Các gia đình ở thành thị thường thích treo tranh bộ 2 bức - Nhị bình (hình chim công múa hay cá chép trông trăng), bộ 4 bức - Tứ bình (hình mai, lan, cúc, trúc tượng trưng cho bốn mùa hoặc bốn cô gái chơi đàn, thổi sáo, gõ phách, ca hát)... Các gia đình nông dân lại thích treo những bức tranh cổ truyền thuộc nhiều đề tài, thỏa mãn đồng thời nhiều nhu cầu. Tranh Gà trống sặc sỡ và oai vệ, tượng trưng cho 5 đức tính quý báu: văn, vũ, nhân, dũng, tín. Tranh Gà đàn và Lợn đàn thể hiện mong ước của nhà nông về một cuộc sống no ấm, gia đình đông vui, hòa thuận…
Tìm lại thú chơi tranh Tết - Ảnh 3.
Tìm lại thú chơi tranh Tết - Ảnh 4.
Ngày nay, tuy thú chơi tranh ngày Tết không còn được rộn ràng như trước, song nét đẹp văn hóa ấy đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhiều thế hệ gia đình người Việt. Đã có nhiều người trẻ quay lại chọn cách chơi tranh như là một xu hướng tìm về cội nguồn, tôn vinh nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc.Có người chọn chơi tranh nghệ thuật, tranh dân gian lại cũng có người tìm mua tranh từ các sản phẩm làng nghề truyền thống (tranh đồng, tranh thêu, tranh khảm trai, tranh chạm khắc gỗ...). Có người cầu kỳ hơn thì đặt họa sĩ vẽ theo chủ đề ngày Tết như các con giáp theo từng năm; hoa đào; phong cảnh chợ Tết; lễ hội làng hay những ký ức về phố cổ, phong cảnh làng quê Việt với cây đa, bến nước, sân đình.Tuy nhiên, đối với những người sành chơi thì ngày Tết vẫn chọn chơi tranh dân gian treo bên chậu quất, cành đào, cùng khói hương trầm bảng lảng để gợi sâu thêm không khí Tết cổ truyền của dân tộc hoặc mua làm quà biếu bạn bè, người thân. Hiện nay, các mẫu tranh dân gian như "Tứ quý", "Tứ bình", "Tứ linh", "Lý ngư vọng nguyệt", "Thất đồng", "Hứng dừa"... được các làng nghề truyền thống chuyển thể sang các chất liệu khác như: gỗ, đồng, sơn mài, khảm trai..., thu hút được nhiều khách hàng chọn mua.
Tìm lại thú chơi tranh Tết - Ảnh 5.
Tìm lại thú chơi tranh Tết - Ảnh 6.
Với kích thước đa dạng từ 20cm đến 70cm, có bức từ 1 đến vài ba mét tùy thuộc vào không gian, vị trí và điều kiện của từng gia đình. Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức, làng nghề La Xuyên cho biết: Một số mẫu tranh dân gian được chuyển thành sản phẩm làng nghề xuất phát từ nhu cầu chơi tranh Tết trên thị trường. Đây là xu hướng tích cực phát triển được tinh hoa giữa các sản phẩm làng nghề bởi các mẫu tranh dân gian sau khi chuyển sang các chất liệu khác vẫn giữ được tinh thần, đồng thời thêm vào đó là sự độc đáo của từng chất liệu và nét tài hoa từ đôi bàn tay người thợ thủ công.