08:06 31/10/2019

Toàn bộ miền Nam Việt Nam có nguy cơ bị ngập vào năm 2050

Hoài Thu

Nghiên cứu của Climate Central dự báo phần lớn Tp.HCM có thể bị ngập vào năm 2050

Theo nghiên cứu của Climate Central mới được công bố trên chuyên san Nature Communications, hàng trăm triệu người trên thế giới có nguy cơ mất nhà do mực nước biển dâng nhấn chìm các thành phố trong vòng 3 thập kỷ nữa.

Theo nghiên cứu này, mực nước biển toàn cầu được dự báo sẽ tăng khoảng 0,6 - 2,1 mét - có thể còn hơn nữa - trong thế kỷ này. Tính toán dựa trên dữ liệu mới nhất và trí tuệ nhân tạo, số cư dân bị ảnh hưởng sẽ tăng gấp 3 so với dự báo trước đây.

Nghiên cứu này dự báo, toàn bộ miền Nam Việt Nam có thể nằm dưới mức đỉnh triều vào năm 2050. Trong đó, phần lớn Tp.HCM có thể bị ngập. Khu vực có nguy cơ bị ngập lụt hiện là nơi sinh sống của hơn 20 triệu người, tương đương 1/4 dân số Việt Nam. 

VIETNAM

Nghiên cứu của Climate Central dự báo toàn bộ miền Nam Việt Nam có thể bị ngập nước vào năm 2050 - Đồ họa: New York Times.

Tại Thái Lan, hơn 10% dân số đang sống trong khu vực đất liền có nguy cơ bị ngập lụt, trong khi con số dự báo trước đó là 1%. Trong đó, thủ đô Bangkok, trung tâm kinh tế, chính trị của Thái Lan, cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. 

Thailand

Dự báo mới cho Thái Lan vào năm 2050 khác biệt đáng kể so với trước đó - Đồ họa: New York Times.

Nghiên cứu trên dự báo, tới năm 2050, khu vực đất liền là nơi sinh sống của khoảng 300 triệu người trên thế giới sẽ chìm trong tình trạng ngập lụt, có thể hứng chịu các trận lụt nặng ít nhất một lần mỗi năm. Vào năm 2100, khu vực là nơi sinh sống của 200 triệu người sẽ vĩnh viễn nằm dưới mức đỉnh triều, khiến không thể sinh sống được tại các khu vực ven biển.

Theo nghiên cứu trên, khoảng 70% người dân có nguy cơ chịu cảnh lũ lụt triền miên hàng năm và nguy cơ bị ngập vĩnh viễn nằm ở 8 quốc gia châu Á, gồm Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines, và Nhật Bản.

Theo thông cáo báo chí của Climate Central, các thành phố nằm ở vị trí thấp so với mực nước biển của Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng, như Thượng Hải, Thiên Tân và Hồng Kông. Các thành phố có nguy cơ bị ảnh hưởng gồm có thủ đô Hà Nội của Việt Nam, thủ đô Dhaka của Bangladesh và thành phố Kolkata, miền Đông Ấn Độ.

Không chỉ ở châu Á, nghiên cứu cũng chỉ ra 19 quốc gia khác, gồm Brazil và Anh, có thể vĩnh viễn chìm dưới mức đỉnh triều vào năm 2100.

Ông Benjamin Strauss, đồng tác giả của nghiên cứu trên và là CEO của tổ chức phi lợi nhuận Climate Central, cho rằng các khu vực có thể bị ảnh hưởng cần phải hành động ngay để tránh "thảm họa" này.

Tuy nhiên, các kết quả của nghiên cứu này đồng nghĩa với dấu chấm hết cho những khu vực bị ảnh hưởng. Dữ liệu mới cho thấy hiện đã có 110 triệu người vẫn sống được tại các khu vực ở dưới mức đỉnh triều nhờ các biện pháp như xây dựng đê biển và tường bao, ông Strauss cho biết. Ông cũng khuyến nghị các thành phố phải đầu tư mạnh vào các biện pháp phòng hộ như vậy và phải nhanh chóng thực hiện việc này.  

"Các cộng đồng ven biển phải tự chuẩn bị cho một tương lai thách thức hơn nhiều so với những dự báo hiện tại", ông Strauss cảnh báo.