Toàn cảnh vụ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bất ngờ bị sa thải
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo ngay lập tức được đề cử thay thế ông Tillerson trên cương vị Ngoại trưởng
Ngoại trưởng Rex Tillerson ngày 13/3 bất ngờ bị Tổng thống Donald Trump cách chức, sau nhiều tháng quan hệ không mấy êm đẹp giữa nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ và ông chủ Nhà Trắng. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo ngay lập tức được đề cử thay thế ông Tillerson.
Động thái trên diễn ra giữa lúc ông Trump chuẩn bị có cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để bàn về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo hãng tin Bloomberg, cùng với việc ông Pompeo được đề cử vào cương vị Ngoại trưởng, Phó giám đốc CIA Gina Haspel sẽ thế chỗ ông Pompeo - trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu cơ quan này.
"Tôi tự hào đề cử Giám đốc CIA Mike Pompeo trở thành Ngoại trưởng mới của chúng ta", ông Trump nói trong một tuyên bố. "Trên cương vị Giám đốc CIA, ông Mike đã nhận được sự ca ngợi của các thành viên thuộc cả hai đảng nhờ tăng cường sức mạnh tình báo của nước Mỹ, hiện đại hóa năng lực phòng thủ và tấn công của chúng ta, đồng thời xây dựng mối quan hệ gần gũi với bạn bè và đồng minh của Mỹ trong cộng đồng tình báo quốc tế".
"Tôi đã hiểu rất rõ về Mike trong vòng 14 tháng qua, và tôi tin rằng ông ấy chính là người phù hợp cho cương vị Ngoại trưởng vào thời điểm quan trọng này. Ông ấy sẽ tiếp tục chương trình của chúng ta về phục hồi lại vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế, tăng cường các mối quan hệ liên minh của chúng ta, đương đầu với kẻ thù, và tìm cách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", tuyên bố có đoạn viết.
Được bổ nhiệm vào cương vị Ngoại trưởng nhờ kinh nghiệm lãnh đạo doanh nghiệp và quan điểm của một người "ngoại đạo" đối với thế giới ngoại giao, ông Tillerson ban đầu được ông Trump đánh giá cao với tư cách là một nhà thương lượng theo khuôn mẫu phù hợp với chủ trương "nước Mỹ trên hết" của ông Trump. Trước đó, ông Tillerson, 65 tuổi, đã có nhiều năm là Giám đốc điều hành (CEO) hãng dầu lửa hàng đầu Mỹ Exxon Mobile.
Chính cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Gates là người đề xuất bổ nhiệm ông Tillerson vào ghế Ngoại trưởng. Tuy nhiên, sau thời kỳ đầu tốt đẹp, mối quan hệ giữa ông Trump với ông Tillerson dần chuyển xấu. Có vẻ như ông Tillerson không đủ khả năng duy trì sự gắn kết với Tổng thống.
Hai người thường xuyên, và công khai, "ông nói gà bà nói vịt" trong nhiều vấn đề, từ thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris, mức độ ủng hộ của Mỹ đối với việc các nước vùng Vịnh cấm vận Qatar, hay có nên theo đuổi giải pháp ngoại giao đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Tillerson ngày càng trở nên thận trọng với điều mà ông cho là những cuộc trò chuyện bí mật giữa ông Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn cao cấp của ông Trump, và thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia. Ông lo ngại rằng các cuộc trò chuyện này sẽ phản tác dụng và đẩy vùng Vịnh vào tình trạng hỗn loạn - nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg.
Những đồn đoán về việc ông Tillerson sắp từ chức đã rộ lên từ hồi tháng 10 năm ngoái, phổ biến đến nỗi được gọi là "Rexit" (ghép giữa Rex và exit - ra đi). Một bản tin của NBC nói rằng trong một cuộc trò chuyện riêng tư, ông Tillerson đã gọi ông Trump là "kẻ khờ", nhưng phát ngôn viên của ông Tillerson sau đó phủ nhận thông tin này.
"Cam kết của tôi đối với sự thành công của Tổng thống và nước Mỹ vẫn mạnh mẽ như ngày mà tôi nhận đề nghị của ông ấy về trở thành Ngoại trưởng", ông Tillerson nói hồi tháng 10. "Tôi chưa bao giờ tính chuyện rời bỏ cương vị này".
Đến tháng 12, lại có bài báo nói ông Trump định đưa ông Pompeo lên thay ông Tillerson, và ông Tillerson gọi bài báo đó là "chuyện nực cười".
Ông Trump cũng lên mạng xã hội Twitter phủ nhận thông tin mà báo đưa: "Giới truyền thông đồn là tôi sắp sa thải ông Rex Tilelrson hoặc ông ấy sắp từ chức. Tin giả! Ông ấy sẽ không đi và dù chúng tôi bất đồng về một số vấn đề nhất định… chúng tôi vẫn làm việc tốt với nhau và nước Mỹ lại được nể trọng cao trở lại!"
Vừa đối đầu với Nhà Trắng, ông Tillerson vừa vấp phải loạt thách thức trong Bộ Ngoại giao Mỹ, bao gồm việc nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu muốn nghỉ việc, khiến ông chật vật tìm người thay thế cho những vị trí chủ chốt. Nhiều nhà ngoại giao cũng bất đồng với ông Tillerson khi ông công khai ủng hộ lời kêu gọi của ông Trump về cắt giảm 1/3 ngân sách của bộ này và hứa cải tổ bộ thông qua sự tư vấn từ bên ngoài.
Đỉnh cao của mâu thuần giữa ông Tillerson với ông Trump lộ rõ khi ông Tillerson chỉ trích phản ứng của ông Trump với vụ bạo loạn vì mâu thuẫn sắc tộc ở Charlottesville. Ông Tillerson cho rằng ông Trump "chỉ cất tiếng nói cho bản thân ông ấy" và "chúng tôi bày tỏ các giá trị của nước Mỹ từ Bộ Ngoại giao".
Mấy ngày vừa rồi, ông Tillerson có chuyến công du tới châu Phi. Ông đã cắt giảm một số sự kiện do bị ốm và về nước sớm. Ông trở về Washington vào lúc khoảng 4h sáng ngày thứ Ba theo giờ địa phương. Chưa đầy 5 tiếng sau, ông bị ông Trump tuyên bố cách chức.