Tóm gọn kết quả hành động "ăn miếng trả miếng" trong thương chiến Mỹ - Trung qua 4 biểu đồ
4 biểu đồ dưới đây cho thấy sự thay đổi trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong hơn một năm qua
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra trong hơn một năm qua và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, gây tổn hại không nhỏ cho hoạt động kinh tế trên toàn cầu.
Khoảng 80% trong số hơn 60 nhà kinh tế tham gia một cuộc khảo sát của Reuters dự báo rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ không có biến chuyển hoặc trở nên tồi tệ hơn vào cuối năm 2020. Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có giao thương trị giá 660 tỷ USD trong năm 2018. 4 biểu đồ dưới đây cho thấy sự thay đổi lớn trong thương mại giữa hai nước trong kể từ khi thương chiến bắt đầu, theo CNBC.
Thuế quan tăng
Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại với Trung Quốc vào đầu năm 2018, nhưng căng thẳng giữa hai nước được đẩy lên cao trào vào tháng 7/2018. Khi đó, Mỹ áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh áp thuế cao hơn lên 34 tỷ USD hàng Mỹ. Từ đó, thuế nhập khẩu áp hàng hoá của nhau tại Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tăng.
Kim ngạch thương mại giảm
Năm 2018, Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Nhưng sang năm 2019, Mexico và Canada đã vượt qua Trung Quốc trở thành hai đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.
"Trung Quốc đã thành công hơn trong việc giảm bớt nhập khẩu hàng hoá Mỹ, so với chiều ngược lại", Eric Fishwick, nhà kinh tế trưởng tại CLSA cho biết. "Dù vậy, kim ngạch thương mại hai chiều của Trung Quốc với Mỹ giảm mạnh hơn so với của Trung Quốc với châu Âu".
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc
Thâm hụt thương mại lớn nhất của Mỹ là với Trung Quốc và đây là lý do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra từ đầu khi đánh thuế lên hàng Trung Quốc.
Theo Don Steinbrugge, người sáng lập hãng tư vấn Agecroft Partners, phần lớn nhập khẩu ròng của Mỹ từ Trung Quốc là "thành phẩm có giá trị cao" như máy tính, thiết bị điện tử. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, xuất khẩu ròng của Mỹ sang Trung Quốc chủ yếu là "hàng hoá giá trị thấp" như nông sản, dầu, khí gas và lâm sản.
Xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc
Đậu tương là một trong những sản phẩm xuất khẩu chính của Mỹ sang Trung Quốc và hiện một trong những tâm điểm của cuộc chiến thương mại. Nông dân là những người ủng hộ nhiều nhất với ông Trump. Trong khi đó, Trung Quốc, nước nhập khẩu một số loại nông sản lớn nhất thế giới - trong đó có đậu tương, đã giảm lượng mua đối với một vài nông sản nhằm "trừng phạt" nông dân Mỹ và gây áp lực đối với ông Trump.
Vào giữa năm ngoái, Trung Quốc gần như ngừng nhập đậu tương hoàn toàn từ Mỹ, khi nhu cầu trong nước giảm do dịch tả lợn châu phi khiến hoạt động chăn nuôi lợn bị thu hẹp. Tại Trung Quốc, đậu tương được dùng trong chăn nuôi gia súc.
Mới đây, Trung Quốc tuyên bố sẽ miễn thuế quan bổ sung đối với một số hàng hóa nông sản Mỹ, bao gồm đậu tương và thịt lợn. Diễn biến này được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ-Trung "giảm nhiệt" trước vòng đàm phán trực tiếp dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10.