Tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là do đâu?
Một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá và chế độ báo cáo, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập; ý thức, trách nhiệm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu chưa tốt.
Năm 2017, cả nước tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng
Đánh giá về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua, ông Trần Văn Vượng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, về cơ bản, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết; cho ý kiến đối với 9 dự án khác, trong đó có nhiều dự án quan trọng để triển khai thi hành Hiến pháp 2013.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương đã ban hành theo thẩm quyền 1.105 văn bản quy phạm pháp luật. Chính quyền địa phương các cấp đã ban hành 4.111 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh.
"Năm 2017, cả nước đã tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng, trong đó tiết kiệm kinh phí, vốn của nhà nước là 47.945 tỷ đồng, tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp nhà nước là 3.456 tỷ đồng", ông Vượng nói.
Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Công tác khoán kinh phí sử dụng xe ôtô công đã bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Đồng thời, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đẩy mạnh tinh giản biên chế, xây dựng Chính phủ điện tử; xử lý sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai, minh bạch.
"Tuy nhiên, có thể nói vẫn không ít tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực chậm được khắc phục. Một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá và chế độ báo cáo theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật", ông Trần Văn Vượng thẳng thắn thừa nhận.
Giải thích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này, ngoài nguyên nhân khách quan, ông Vượng cho rằng còn có nguyên nhân chủ quan là hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập; ý thức, trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa tốt, nên kết quả còn hạn chế.
Cắt giảm 100% việc tổ chức động thổ, khởi công, khánh thành
Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào nề nếp, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các chỉ tiêu tiết kiệm trong các lĩnh vực.
"Thứ nhất, phấn đấu tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước 12% đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương", ông Vượng nói.
Giải pháp thứ hai được ông Vượng đưa ra là đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp, tổ chức lại để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ ba, phấn đấu giải ngân 100% dự toán chi đầu tư phát triển được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao; bảo đảm 100% các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Hoàn thiện hệ thống quản lý đầu tư công theo thông lệ quốc tế; đổi mới cách thức lập và thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công để đảm bảo đến năm 2019 đạt chất lượng tương đương trung bình các nước ASEAN-4.
Thứ tư, triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền; đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán xe công, phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các Bộ, ngành, địa phương.
Song song với đó, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cũng đề nghị tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai, quy hoạch sử dụng đất.
"Không cấp phép mới thăm dò, khai thác vàng sa khoáng. Hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ. Không xuất khẩu khoáng sản thô, không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên phạm vi cả nước, trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thực hiện giảm mức tổn thất điện cả năm xuống còn 7,2%", ông Vượng cho biết.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, ông Vượng đề nghị thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa.
Thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước.
Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan; phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của 12 dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp kém hiệu quả thuộc ngành công thương và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác.
"Đi liền với đó là quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015. Giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định", ông Trần Văn Vượng nhấn mạnh.