13:32 29/10/2019

Tổng công ty Sông Hồng: Vốn chủ sở hữu âm gần 629 tỷ đồng

KIỀU LINH

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài trong một thời gian rất ngắn nữa thì Tổng công ty cổ phần phần Sông Hồng chắc chắn sẽ buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ phần vốn Nhà nước

Tổng công ty Sông Hồng âm vốn chủ sở hữu, nguy cơ mất vốn nhà nước.
Tổng công ty Sông Hồng âm vốn chủ sở hữu, nguy cơ mất vốn nhà nước.

Báo cáo tài chính công ty mẹ quý 3/2019 của Tổng công ty Sông Hồng (mã chứng khoán SHG - UpCOM) vừa công bố cho thấy tình hình kinh doanh ngày càng bi đát. 

Theo đó, riêng quý 3 năm 2019, Tổng công ty lỗ 15,8 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, lỗ gần 48 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế lên đến 956 tỷ đồng. Với mức thua lỗ đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã âm tới 628,5 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 9, Tổng công ty có khoản nợ phải trả lên tới hơn 1.635 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 1.138 tỷ đồng, nợ dài hạn là 497,4 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn 536 tỷ đồng.

Ban tổng giám đốc công ty thừa nhận, nợ tín dụng xấu nên Tổng công ty không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu nhằm tạo việc làm và nguồn tài chính cho công ty mẹ và công ty thành viên. Doanh thu và sản lượng chủ yếu của các công ty chuyển tiếp dở dang từ các năm trước chuyển sang có hiệu quả thấp, lãi vay lớn.

Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay phải trả cho công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, nợ phải trả liên quan đến các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con.

Ngoài ra, tại thời điểm 30/9/2019, Tổng công ty còn có các khoản nợ phải trả và nợ tiềm tàng liên quan đến các khoản bảo lãnh vay ngân hàng.

Cụ thể, bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 45 năm 2018 của Toà oán nhân dân thành phố Hà Nội và Quyết định số 01 của Chi cục thi hành án dân sự quận Tây Hồ, Tổng công ty phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc 95,43 tỷ đồng chưa thanh toán cho VAMC kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm 19/6/2017.

Ban tổng Giám đốc của Tổng Công ty Sông Hồng cho biết để khắc phục tình trạng khó khăn, công ty đang tái cơ cấu thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty con, công ty liên kết, thực hiện chủ trương của Bộ Xây dựng trong việc thoái vốn Nhà nước của Tổng công ty Sông Hồng về mức 36% hoặc Bộ Xây dựng phải bán hết vốn Nhà nước.

Sông Hồng cũng đang quyết toán các công trình tồn đọng và thu hồi công nợ. Tăng vốn điều lệ theo phương án tăng từ 270 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 bằng cách phát hành cổ phiếu phổ thông.

Như VnEconomy đưa tin, tháng 9 vừa qua, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng có báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẩn thiết đề nghị cho phép Sông Hồng được thoái vốn ngay trong năm 2019.

Công ty Sông Hồng cho biết, là doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa năm 2010 và hiện nay vốn Nhà nước là 132,412 tỷ đồng/vốn điều lệ 270 tỷ đồng (chiếm 49%). Tuy nhiên, sau cổ phần hóa đến nay, tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến mất khả năng thanh toán rất nghiêm trọng.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài trong một thời gian rất ngắn nữa thì Tổng công ty cổ phần phần Sông Hồng chắc chắn sẽ buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty.

Công ty Sông Hồng do vậy đã khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận tiếp tục giao cho Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty để hoàn thành việc thoái vốn toàn bộ phần vốn Nhà nước sớm nhất, hiệu quả nhất.

Trước đó Bộ Xây dựng cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước tại Công ty Sông Hồng.