Tổng thống Hàn Quốc: “Căng thẳng thương mại với Nhật Bản sẽ kéo dài”
Cảnh báo này của ông Moon làm gia tăng lo ngại các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể rơi vào tình trạng gián đoạn
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 10/7 cảnh báo lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu nước này về một cuộc đấu kéo dài xung quanh việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu một số vật liệu quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử.
Cảnh báo này của ông Moon làm gia tăng lo ngại các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể rơi vào tình trạng gián đoạn.
Theo hãng tin Bloomberg, ông Moon đã có cuộc gặp với lãnh đạo từ 30 công ty lớn của Hàn Quốc, bao gồm Samsung Electronics, SK Group, Huyndai Motor, và Lotte Group. Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo nói ông nhận thấy Nhật Bản đang nhằm vào nền kinh tế Hàn Quốc để giành lợi thế chính trị.
Tuần trước, Nhật Bản tuyên bố hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc một số vật liệu đặc biệt cần thiết cho việc sản xuất thiết bị bán dẫn và màn hình máy tính và điện thoại thông minh (smartphone). Ngoài ra, Nhật Bản cũng dọa có thể loại Hàn Quốc khỏi một danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy.
"Dù đã có nhiều nỗ lực ngoại giao, chúng ta không thể loại trừ khả năng tình trạng này sẽ kéo dài", ông Tổng thống Hàn Quốc nói. "Chính phủ của chúng ta đang thiết lập một hệ thống phản ứng để yêu cầu Nhật Bản xóa bỏ biện pháp hạn chế xuất khẩu bất công này, theo một tinh thần cấp bách".
Ông Moon cũn gọi tình thế hiện nay là "tình trạng khẩn cấp chưa từng có tiền lệ".
Nhật Bản nói rằng hạn chế xuất khẩu mà nước này đưa ra đối với Hàn Quốc là nhằm đảm bảo an ninh, đồng thời bày tỏ thiếu tin tưởng vào các tòa án Hàn Quốc sau một phán quyết đưa ra vào năm ngoái.
Mâu thuẫn này bắt nguồn từ việc một tòa án Hàn Quốc tháng 10/2018 ra phán quyết yêu cầu hãng thép Nippon Steel của Nhật Bản phải bồi thường cho những lao động trước đây bị ép buộc làm việc cho công ty này trong thời gian Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên từ 1910-1945. Nhật Bản nổi giận vì phán quyết này, nói rằng vấn đề lao động bị ép buộc đã được giải quyết đầy đủ vào năm 1965 khi hai nước nối lại quan hệ ngoại giao.
Có nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ Nhật đưa ra biện pháp hạn chế vào thời điểm này là nhằm củng cố sức mạnh cho Đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe trước thềm một cuộc bầu cử nghị viện.
Mâu thuẫn ngoại giao về những vấn đề trong quá khứ vẫn thường bùng lên trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, những cuộc vai chạm trước đây thường không ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế. Bởi vậy, lần xung đột này dẫn tới lo ngại rằng căng thẳng giữa hai đối tác thương mại lớn và cũng là hai đồng minh lớn của Mỹ có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Tổng thống Moon ngày 10/7 hứa rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước ứng phó với lệnh cấm của Nhật Bản, đồng thời cho biết lệnh cấm này sẽ được phản ánh trong một dự luật ngân sách bổ sung chuẩn bị được trình lên Quốc hội.
Hạn chế mà Nhật Bản đặt ra đồng nghĩa với thách thức gia tăng mà ông Moon phải đối mặt. Nền kinh tế Hàn Quốc yếu đi kể từ khi ông lên cầm quyền, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất 1 thập kỷ.
Hạn chế có hiệu lực từ ngày thứ Năm tuần trước không phải là một lệnh cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu của Nhật Bản phải xin giấy phép cho mỗi lô hàng thuộc 3 nguyên liệu bị hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc. Thời gian chờ được cấp phép vào khoảng 90 ngày nên có thể dẫn tới gián đoạn.
Biện pháp của Nhật Bản có khả năng gây thiệt hại về lợi nhuận cho các công ty Hàn Quốc phụ thuộc vào nguồn cung từ đất nước mặt trời mọc, chẳng hạn như Samsung Electronimics hay LG Display. Trừ phi hạn chế được dỡ bỏ, các công ty Hàn Quốc sẽ phải tìm nguồn cung thay thế từ Đài Loan và Trung Quốc.