Tổng thống Trump: Lệnh trừng phạt bắt đầu "ảnh hưởng lớn" đến Triều Tiên
"Ông Kim Jong Un giờ đã muốn đàm phán với Hàn Quốc lần đầu tiên. Đây có thể là tin tốt, cũng có thể là không. Chúng tôi sẽ chờ xem sao!"
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/1 nói rằng những nỗ lực của ông nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng đã có "ảnh hưởng lớn" trong việc mở ra triển vọng một cuộc đàm phán giữa Triều Tiên với Hàn Quốc - một động thái có thể giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trước thềm Thế vận hội mùa đông.
Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2018 vào hôm 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đề xuất mở một cuộc đàm phán với Seoul. Đây được coi là thiện chí hòa bình hứa hẹn nhất từ Bình Nhưỡng kể từ khi ông Trump lên cầm quyền.
Tiếp đó, ngày 2/1, Hàn Quốc đã đề nghị mở một cuộc đàm phán cấp cao với Triều Tiên vào ngày 9/1 để bàn về khả năng Triều Tiên cử đoàn đại biểu tham dự Thế vận hội mùa đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc, vào tháng 2 tới.
Theo hãng tin Bloomberg, viết trên mạng xã hội Twitter ngày 2/1, ông Trump nói rằng đề xuất của ông Kim Jong Un phản ánh kết quả những nỗ lực mà Washington đã theo đuổi trong việc tăng cường trừng phạt Triều Tiên và cảnh báo sử dụng hành động quân sự để buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
"Lệnh trừng phạt và các biện pháp gây sức ép khác đã bắt đầu có ảnh hưởng lớn đối với Triều Tiên… Gã tên lửa (chỉ ông Kim Jong Un) giờ đã muốn đàm phán với Hàn Quốc lần đầu tiên. Đây có thể là tin tốt, cũng có thể là không. Chúng tôi sẽ chờ xem sao!" ông Trump viết.
Tiếp đó, ông Trump đáp trả tuyên bố của ông Kim Jong Un trong bài phát biểu hôm 1/1 rằng trên bàn làm việc của ông luôn có một "nút bấm hạt nhân" có thể được sử dụng nếu Mỹ đe dọa Triều Tiên.
"Ai đó ở Triều Tiên làm ơn nói với ông ta rằng tôi cũng có nút bấm hạt nhân. Nhưng nút bấm này lớn và mạnh hơn nhiều cái nút của ông ta!" ông Trump viết trên Twitter.
Các quan chức chính quyền Trump hiện đang tỏ ra hoài nghi về thiện chí đàm phán của Triều Tiên.
"Chúng tôi rất nghi ngờ về sự chân thành của ông Kim Jong Un trong việc ngồi vào bàn đàm phán và nói chuyện", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert phát biểu trước báo giới ở Washington. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders thì nói "chính sách của chúng tôi đối với Triều Tiên không hề thay đổi".
Nếu diễn ra, cuộc đàm phán liên Triều lần này sẽ là cuộc đàm phán đầu tiên giữa hai miền kể từ năm 2015.
Giới phân tích cho rằng có rất nhiều trở ngại để có thể đạt một thỏa thuận khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân. Những nỗ lực trước đây đều đã thất bại, và Mỹ luôn nói không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân, trong khi Triều Tiên luôn khẳng định phải sở hữu vũ khí hạt nhân để ngăn ngừa nguy cơ bị Mỹ tấn công.
Mặc dù vậy, một cuộc đàm phán Hàn-Triều có thể giảm khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự. Trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thử vũ khí và ông Trump liên tiếp đưa ra những lời cảnh báo, nguy cơ xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên đã bị đẩy lên cao trong năm 2017.
Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất và đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, hoan nghênh khả năng diễn ra đàm phán Hàn-Triều, đồng thời kêu gọi hai nước chớp lấy cơ hội này để cải thiện quan hệ.
"Đây là một chuyện tốt đẹp", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang phát biểu trước các nhà báo ở Bắc Kinh ngày 2/1.