TPBank dự kiến tăng vốn lên 8.533 tỷ đồng tới cuối năm 2018
Cùng với kế hoạch tăng 46% vốn, các chỉ tiêu kinh doanh cũng được ngân hàng kỳ vọng tăng tốc với lợi nhuận tăng 82%, gia nhập nhóm ngân hàng có ROE trên 20%
Theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, các cổ đông Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank, mã TPB-HoSE) đã nhất trí cao phương hướng, kế hoạch đề ra trong năm tới của nhà băng này.
Trong đó, kế hoạch tăng vốn đã được thông qua với tổng tỷ lệ phát hành thêm cho các cổ đông là 28,37% bao gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8,37% và chia thưởng từ nguồn thặng dư vốn với tỷ lệ 20%.
Năm 2017, dù đã mạnh tay chi trích lập dự phòng nhưng lợi nhuận TPBank vẫn tăng 80%, vượt 1.200 tỷ đồng. Khoản lãi trên đã giúp tích lũy thêm đáng kể nguồn lợi nhuận chưa phân phối lớn, qua đó TPBank đã có thể chia cổ tức với tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung các ngân hàng. Đây cũng là lần đầu tiên ngân hàng này chi trả cổ tức trở lại sau 6 năm tái cơ cấu.
Ngoài cổ tức, cổ đông TPBank còn được nhận kèm thêm khoản chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Nguồn vốn cho hoạt động phát hành này đến từ khoản thặng dư vốn cổ phần sau khi TPBank hàng phát hành riêng lẻ tăng vốn thêm 15% như phương án đã được thông qua tại đại hội đồng cổ đông lần trước.
Với 3 phương án phát hành trên, vốn điều lệ ngân hàng tới cuối năm nay dự kiến sẽ tăng lên 8.566 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm.
Cùng với việc mở rộng quy mô vốn điều lệ, các chỉ tiêu kinh doanh cũng được ngân hàng đặt ra với kế hoạch tham vọng. Cụ thể, mục tiêu lãi trước thuế của TPBank là 2.200 tỷ đồng, tăng 82,42% so với năm 2017. Phương án này đã được cổ đông nhất trí thông qua.
Mức tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch năm 2018 cao hơn năm 2017 và thuộc hàng top các ngân hàng theo công bố tính đến thời điểm hiện nay. Tỷ suất lợi nhuận ROE dự kiến sẽ đạt 23%, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động.
Kế hoạch tham vọng trên đã có bước đà khởi động khá thành công khi kết quả kinh doanh quý 1của ngân hàng này đã hoàn thành 23,3% kế hoạch.
Lợi nhuận quý 1 của ngân hàng này đạt 513 tỷ đồng, gấp 2,39 lần cùng kỳ và tương đương 42,5% lợi nhuận thực hiện trong cả năm 2017.
Thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chính của ngân hàng với mức thu về trong quý đạt 933 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng của thu nhập từ lãi cho vay.
Một động lực tăng trưởng khác của TPBank là thu từ hoạt động dịch vụ. Trong đó, hoạt động thanh toán và bảo hiểm đồng loạt tăng mạnh. Kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đã đóng góp 17 tỷ đồng trong quý vừa qua, hoạt động thanh toán cũng thu lãi gấp 1,4 lần cùng kỳ.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí hoạt động và dự phòng, lợi nhuận TPBank đạt 513 tỷ đồng, gấp gần 2,4 lần quý 1/2017.
Đến ngày 31/3, tổng tài sản của TPBank xấp xỉ 121.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm chủ yếu do các khoản phải thu đã giảm đáng kể.
Tăng trưởng cho vay khách hàng và huy động tiền gửi lần lượt đạt 10,05% và 4,02%. Đây đều là các mức tăng trưởng cao so với bình quân một số ngân hàng công bố tài chính đến thời điểm hiện tại.
Cho vay khách hàng hiện xấp xỉ 69.794 tỷ đồng, chiếm 58% trong cơ cấu tài sản của TPBank. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện vẫn được giữ khá thấp 1,15%, tăng nhẹ so với mức 1,08% hồi cuối năm 2017.
Nguồn vốn huy động biến động nhẹ so với 3 tháng trước khi giảm lượng tiền vay/nhận gửi từ tổ chức tín dụng khác và tăng huy động từ dân cư hay phát hành giấy tờ có giá. Nguồn vốn chủ sở hữu đã tăng hơn 9% lên gần 7.300 tỷ đồng, nhờ sự tích lũy của khoản lợi nhuận để lại.